Tạo điều kiện kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp vận tải
Đại diện Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Đây là sự kiện nằm trong Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 của Bộ Tư pháp diễn ra ngày 22/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp vận tải đã nêu lên những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện Quyết định số 24/QĐ-BGTVT năm 2016 của Bộ Giao thông Vận tải, về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là Đề án 24).
Đề án cho thí điểm mô hình vận tải bằng xe ô tô dưới 9 chỗ với hai bên hợp tác là đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ và đơn vị kinh doanh vận tải. Theo đó, đơn vị cung cấp công nghệ sẽ cung cấp dịch vụ kết nối giữa hành khách và xe hợp đồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải.
Đại diện Tập đoàn Mai Linh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Ông Trương Đình Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ánh dương Việt Nam (Vinasun) cho rằng, trong thực tiễn triển khai, mô hình vận tải do Grab (Công ty TNHH Grab) và các đối tác đơn vị kinh doanh vận tải đã không tuân thủ Quyết định 24, dẫn đến biến dị mô hình kinh doanh, sai phạm các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động vận tải hợp đồng điện tử.
Bên cạnh đó, thời gian thí điểm của Đề án 24 đã kết thúc gần 2 năm nhưng hoạt động các nền tảng công nghệ và đối tác theo dạng thức “xe hợp đồng điện tử” vẫn được thả lỏng, không kiểm soát.
Theo ông Trương Đình Quý, thị trường vận tải hành khách nội đô đang mất dần tính cạnh tranh, hình thành độc quyền.
Do đó, cần bổ sung các quy định pháp luật quản lý hoạt động taxi, cần sự công khai minh bạch từ các doanh nghiệp taxi núp bóng cung cấp công nghệ như số lượng xe, tình hình hoạt động... để kiểm soát, tránh tạo áp lực cho giao thông nội thành.
“Nên mở rộng nội hàm của taxi, hợp đồng để bao hàm tiện ích mới chứ không nên bổ sung thêm loại hình vận tải taxi điện tử, hợp đồng điện tử”, ông Trương Đình Quý đề xuất.
Với những bất cập hiện nay, các doanh nghiệp taxi truyền thống đề xuất sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó giải quyết cơ bản vấn đề bất bình đẳng giữa các loại hình vận tải, đưa ứng dụng công nghệ vào quản lý đối với các loại hình vận tải, đảm bảo vai trò của quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách.
Đại diện Tập đoàn Mai Linh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Ông Hà Đăng Luyện, Giám đốc Pháp chế - Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh cho biết: Hội nghị đối thoại nhưng rất tiếc không có đại diện Grab tham dự. Doanh nghiệp taxi truyền thống như Mai Linh cũng muốn nghe doanh nghiệp ứng dụng công nghệ chia sẻ về vấn đề này.
Đề án 24 có thời hạn kết thúc thí điểm nhưng còn những bất cập như hiện nay, Bộ Tư pháp cần có ý kiến để bổ sung các quy định cho sửa đổi Nghị định 86.
Theo ông Hà Đăng Luyện, nếu không giải quyết được những tồn tại này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác. Nếu Mai Linh cũng chuyển từ taxi truyền thống sang mô hình như Grab (không cần gắn hộp đèn…) thì sẽ như thế nào, bởi Mai Linh cũng có xe, tài xế và có App (ứng dụng) để thực hiện mô hình này.
Trao đổi vấn đề này, bà Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp cho rằng, những bất hợp lý trong quản lý loại hình xe hợp đồng vận tải đã rõ, đặt ra vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp taxi truyền thống.
Do vậy, việc xây dựng luật sẽ phải trên cơ sở kinh doanh bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp. Không thể để doanh nghiệp trong nước đánh mất lợi thế ngay trên “sân nhà” do những quy định bất hợp lý đó mang lại.
Tại Hội nghị, đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cũng trao đổi các vấn đề về thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản lý vận tải thủy nội địa và những giải pháp nâng cao hiệu quả; bất cập về vấn đề pháp lý liên quan đến ứng dụng công nghệ số trong hoạt động hàng không tại Việt Nam….