|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, Agribank liệu có thua lỗ?

07:16 | 28/06/2018
Chia sẻ
Từ năm 2018, Agribank sẽ phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi ngắn hạn công bằng như các các ngân hàng khác. Nếu điều đó xảy ra, Agribank có thể thua lỗ.

Do là ngân hàng thực hiện nhiều nhiệm vụ đặc biệt nên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) nhận được nhiều ưu đãi. Trong đó, có ưu đãi về tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Nhưng sắp tới đây, các ưu đãi này sẽ không còn tồn tại. Nếu điều này xảy ra sớm hơn, Agribank có thể thua lỗ từ những năm gần đây.

Agribank trước thách thức "bị" đối xử công bằng

Cụ thể, ngày 24/2/2009, Ngân hàng Nhà nước công bố Quyết định số 379/QĐ-NHNN ngày 24/2/2009 về điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) nhận được nhiều ưu đãi đặc biệt so với các ngân hàng khác.

Ngay cả Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đều phải đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng đồng Việt Nam là 3%. Trong khi đó, tỷ lệ dự trữ của Agribank chỉ là 1%.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng đồng Việt Nam được áp dụng công bằng hơn ở tất cả các ngân hàng. Tỷ lệ này là 1%.

tang ty le du tru bat buoc agribank lieu co thua lo
Tăng tỷ lệ dữ trự bắt buộc sẽ gây áp lực cho Agribank.

Ngoài ra, Agribank được ưu ái cả về dự trữ ngoại tệ. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ tại Agribank chỉ là 6%, trong khi ở đa số các ngân hàng còn lại, tỷ lệ này là 7%.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ tại Agribank là 2% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Trong khi đó, đa số các ngân hàng còn lại phải trích dự trữ bắt buộc lên tới 3%.

Sang năm 2011, Quyết định số 1925/QĐ-NHNN ngày 26/8/2011 tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ nhưng ở kỳ hạn nào, tỷ lệ dự trữ tại Agribank cũng thấp hơn mặt bằng chung 1%.

Ngày 29/5/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định 1158/QĐ-NHNN về tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, Agribank hết được ưu đãi đặc biệt và “bị” đối xử công bằng như các ngân hàng khác.

Cụ thể, từ tháng 6/2018, tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng tại Agribank sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 3% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc. Trước đây, tỷ lệ này chỉ là 1%. Như vậy có nghĩa Agribank sẽ phải trích số tiền nhiều hơn gấp 3 lần bình thường cho các khoản tiền gửi này.

Có thể thua lỗ

Có thể thấy, sau gần 10 năm nhận được ưu ái đặc biệt, tới nay, Agribank dần dần bị cắt ưu đãi. Khi Agribank “bị” đối xử công bằng như các ngân hàng còn lại trên thị trường, lợi nhuận của ngân hàng này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Cụ thể, nếu trong năm 2017, tiền gửi không kỳ hạn bằng tiền đồng tại Agribank đạt 121.886 tỷ đồng. Nếu Quyết định này được áp dụng, Agribank sẽ phải chi thêm 2.438 tỷ đồng cho dự trữ bắt buộc cho các khoản tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Việt Nam.

Nhưng chỉ với việc phải trích lập 2.438 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng mẹ đã “bốc hơi” 2.438 tỷ đồng, tương ứng 60% xuống chỉ còn 1.623 tỷ đồng. Với khoản lợi nhuận này, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của Agribank chỉ là 3%, con số thấp hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng.

Nếu so sánh với 3 đơn vị khác trong nhóm “tứ đại gia ngân hàng”, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của Agribank kém hơn hẳn. Con số này tại Vietcombank, BIDV và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) lần lượt là 17,3%, 14,8% và 11,7%.

Trong năm 2017, tiền gửi có kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của Agribank tăng vọt từ 733.517 tỷ đồng lên 869.863 tỷ đồng. Agribank không phân chia kỳ hạn trên 12 tháng và kỳ hạn dưới 12 tháng nên không rõ ngân hàng này phải trích thêm bao nhiêu tiền cho dự trữ bắt buộc.

1.623 tỷ đồng là khoản lợi nhuận thấp nhưng Agribank hoàn toàn có thể không giữ được lợi nhuận dương nếu Agribank có ít nhất 81.150 tỷ đồng là các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn dưới 12 tháng. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra vì 81.150 tỷ đồng chỉ chiếm 9,3% tổng tiền gửi có kỳ hạn bằng Việt Nam đồng.

Còn nếu áp dụng sớm hơn trong năm 2016, tình hình tại Agribank thậm chí còn bi đát hơn. Agribank sẽ phải trích 2.266 tỷ đồng cho dự trữ bắt buộc cho các khoản tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận sau thuế của ngân hàng mẹ giảm 2.266 tỷ đồng, tương ứng 66,9% xuống chỉ còn 1.122 tỷ đồng.

Tương tự như năm 2017, Agribank sẽ thua lỗ nếu 56.150 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng. 56.150 tỷ đồng chỉ chiếm 7,7% tổng tiền gửi có kỳ hạn bằng Việt nam đồng.

Có thể thấy, nếu Quyết định 1158/QĐ-NHNN được áp dụng sớm hơn, Agribank hoàn toàn có thể thua lỗ trong năm 2016 và 2017.

Xem thêm

Vy VY