Tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng có đang ở mức cao?
Kết thúc 9 tháng đầu năm, phần lớn ngân hàng đều đã công bố kết quả kinh doanh với một điểm đáng chú ý trong bức tranh toàn cảnh là tăng trưởng cho vay khách hàng tại nhiều ngân hàng ở mức cao.
Theo khảo sát của người viết, trong số 25 ngân hàng thì có tới 16 ngân hàng (chiếm khoảng 64%) có dư nợ cho vay khách hàng cao hơn mức trung bình ngành ước tính (9,2%).
Trong đó, có tới 4 ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay khách hàng ở mức cao trên 20% gồm: Techcombank (tăng 28,6%), VIB (28,2%), OCB (21,2%) và TPBank (20,4%).
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức thấp khoảng 14% trong năm 2019, những con số tăng trưởng này liệu có thể hiện rằng các ngân hàng đang đi ngược với xu hướng chung?
Câu trả lời nằm ở sự phân hoá về tăng trưởng cho vay tại các nhóm ngân hàng. Có thể nhận thấy rằng, những ngân hàng có tăng trưởng cho vay cao hầu hết là nằm trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, chiếm tỉ trọng cho vay không quá lớn trong nền kinh tế.
Trong khi đó, nhóm các "ông lớn" ngân hàng TMCP Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV (hay còn gọi là nhóm Big4) nơi cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, lại có mức tăng trưởng cho vay khá khiêm tốn.
Nguồn: DB tổng hợp - Đồ hoạ: Alex
Theo số liệu khảo sát, tổng dư nợ của 4 ngân hàng này chiếm hơn 61% tổng cho vay của 25 ngân hàng. Vietcombank là ngân hàng duy nhất trong nhóm giữ được phong độ với mức tăng trưởng 12,1% trong 9 tháng. BIDV ở mức thấp hơn với 8,6% và "kém" nhất là Agribank với 5,2% và VietinBank chỉ với 3,9%.
Nói về hiện tượng này, Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực nhận định có hai lí do để tăng trưởng tín dụng cao tại một số ngân hàng trong 9 tháng đầu năm.
"Hiện tượng này chỉ diễn ra những ngân hàng cỡ trung bình và nhỏ và những ngân hàng đó về cơ bản đã hoàn thành việc áp dụng chuẩn mức Basel II và được NHNN cấp mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức trung bình hệ thống", ông nói.
Ông cho rằng đến thời điểm hiện nay, những ngân hàng này chắc đã hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm. Do đó từ nay đến cuối năm nếu họ muốn tăng trưởng tín dụng tiếp thì phải cơ cấu lại danh mục cho vay, tức thu nợ phần này và cho vay phần khác nhiều hơn.
Con số tăng trưởng cho vay thấp trong nhóm Big4 ngân hàng cho thấy vấn đề trong cấu trúc vốn của từng ngân hàng.
Vietcombank duy trì được tăng trưởng tốt khi vấn đề vốn được giải quyết tốt, ngân hàng đã tăng vốn thành công lên hơn 37.000 tỉ đồng, là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai toàn hệ thống sau VietinBank. Đồng thời, Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên áp dụng chuẩn Basel II tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ bên lề hội nghị Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ: "Vietcombank đã đạt chuẩn Basel II và NHNN đã cấp hạn mức tăng trưởng 15%. Tính đến nay, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt khoảng 10% và sẽ thực hiện theo đúng lộ trình sẽ đạt được đúng mức tăng trưởng mà NHNN cho phép".
Nguồn tín dụng những tháng cuối năm của Vietcombank tập trung vào nhóm khách hàng truyền thống trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và một số dự án trung dài hạn có thời gian dài chuẩn bị, ông chia sẻ thêm.
Trong khi đó, ba "ông lớn" còn lại vẫn đang loay hoay giải quyết bài toán tăng vốn. Một vấn đề cần hiểu rõ tại đây là chỉ khi tăng vốn thì mới có thể tăng được tín dụng.
Tại BIDV, thương vụ bán vốn cho đối tác Hàn Quốc là KEB Hana Bank đang nằm ở "hồi kết" và dự kiến sẽ hoàn thành việc thanh toán trong tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, đã đến thời điểm cận kề sang tháng 11 nhưng vẫn chưa có thông tin nào được công bố thêm và việc tăng vốn lần này có thể ngay lập tức ảnh hưởng tốt lên kết quả cho vay của ngân hàng hay không vẫn là một câu hỏi.
VietinBank và Agribank là hai ngân hàng cùng nằm trong hoàn cảnh "bế tắc" về tăng vốn khi chịu sự phụ thuộc lớn vào ngân sách nhà nước.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết: "Về cơ bản VietinBank đã hết room tăng trưởng tín dụng rồi vì họ không tăng được vốn điều lệ. Đây là vấn đề hơi kĩ thuật về nghiệp vụ.
Tại VietinBank đã kịch trần giảm sở hữu nhà nước xuống 65% rồi nên không bán được cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nữa. Họ không có cửa để tăng vốn điều lệ khi ngân sách còn khó khăn không cho phép giữ lại cổ tức.
Do không tăng được vốn điều lệ nên hệ số CAR của họ sẽ teo đi và không đảm bảo được tiêu chuẩn Basel II nếu tiếp tục cho vay ra. Agribank cũng trong bối cảnh tương tự như vậy".
Có lẽ lường trước được thách thức này, VietinBank cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 7% trong năm 2019 trong khi con số này tại BIDV và Vietcombank là 12% và 15%.
Những cuộc điều tra "Xu hướng kinh doanh" do NHNN thực hiện gần đây cho thấy các tổ chức tín dụng (TCTD) đã liên tục điều chỉnh giảm kì vọng về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2019 qua các kì điều tra từ 15,27% xuống còn 13,61% (tháng 9/2019), gần sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019.
Theo báo cáo mới nhất, trong quí IV, kì vọng tăng trưởng dư nợ tín dụng của hệ thống đạt 4,85% và tăng 13,61% trong năm 2019, đã điều chỉnh giảm 0,72% so với mức bình quân kì vọng 14,33% ghi nhận tại kì điều tra trước (thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018).
Còn theo dự báo của chuyên gia Cấn Văn Lực, tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống sẽ đạt khoảng 13 - 14 % trong năm 2019. "Tính đến 4/10, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 9,4% thì trong ba tháng cuối năm, tăng trưởng ở mức như vậy là hợp lí", ông nói.
Công ty Chứng khoán SSI trước đó cũng từng nhận định rằng trong trường hợp những ngân hàng được áp dụng Basel II (thời điểm đó là 8 ngân hàng) đều được nâng hạn mức tín dụng lên mức kì vọng thì tăng trưởng dư nợ của toàn hệ thống cũng chỉ tăng ở mức thấp, chỉ khoảng 0,6% tổng dư nợ.
Với cái nhìn cẩn trọng hơn, Công ty Chứng khoán BSC đưa ra dự báo mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể sẽ chỉ đạt 12-13%. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn (bất động sản, thép,...), nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế đang giảm tốc.