Tăng trưởng tín dụng: Khác biệt giữa tỷ lệ phần trăm và số tuyệt đối
Trong cuộc gặp gỡ báo chí đầu tháng 6-2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đến ngày 10-6-2019 tín dụng cho nền kinh tế tăng 5,75%.
Căn cứ vào hai số liệu trên, chỉ trong vòng một tuần, tín dụng toàn ngành tăng 0,47 điểm phần trăm - mức khá cao.
Tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo sẽ cán mốc từ 900.000 đến 1 triệu tỉ đồng. Ảnh: Thành Hoa
Trên trang web của mình, NHNN thống kê đến hết tháng 3-2019 tín dụng tăng trưởng 3,13% so với đầu năm, con số tuyệt đối là 7.437.086 tỉ đồng. Thông thường số liệu của NHNN có độ tin cậy cao và nếu lấy số tăng trưởng 5,75% để tính toán, thì từ đầu năm đến ngày 10-6-2019 con số tuyệt đối tăng trưởng tín dụng đạt 414.653 tỉ đồng.
Xét về tỷ lệ phần trăm, tín dụng tăng trưởng không nhiều, nhưng con số tuyệt đối lại rất lớn. Nhìn vào con số tuyệt đối của tăng trưởng tín dụng đến đầu tháng 6, có thể dự báo năm nay sẽ cán mốc từ 900.000 đến 1 triệu tỉ đồng.
Ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế và kiểm soát hợp lý gia tăng tín dụng sẽ là một thách thức đối với cơ quan quản lý ngành.
Các ngân hàng và NHNN đều hiểu rất rõ con số thực tín dụng “bơm” vào nền kinh tế có thể không lên tới mức trên nếu nợ xấu không tập trung vào một số ngân hàng yếu kém và mặt bằng xử lý nợ xấu không lồi lõm một cách khó xác định như hiện nay. Con số tuyệt đối tín dụng tăng cao một phần là do đảo nợ tại một số ngân hàng.
Để biết ngân hàng nào có xác suất đảo nợ cao chỉ cần nhìn vào con số lãi phải thu, phí và lãi phải thu trong báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng. Những ngân hàng có số lãi phải thu lớn thường có lợi nhuận trước thuế và sau thuế thấp hơn hẳn các đồng nghiệp.
Biểu đồ các mức tăng trưởng tín dụng. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước
Càng ngày càng có nhiều ý kiến đề xuất NHNN nên xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng hàng năm cho các ngân hàng bằng con số tuyệt đối chứ không phải tỷ lệ phần trăm. Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao hơn 3% tổng dư nợ (theo dữ liệu của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, không phải theo báo cáo của các ngân hàng) và lãi dự thu lớn, sẽ buộc phải khoanh vùng con số tuyệt đối tăng trưởng tín dụng ở một mức nhất định.
Đây là một trong những điểm mấu chốt không chỉ để xử lý nợ xấu hiệu quả, mà còn đồng thời tạo điều kiện kiểm soát mặt bằng lãi suất đầu vào, từ đó kiểm soát lãi suất đầu ra. Nếu không được cho vay vượt quá định mức phân bổ tín dụng về con số tuyệt đối, một số ngân hàng sẽ không có nhu cầu vốn huy động nhiều, lãi suất tiết kiệm có thể hạ nhiệt.
Tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4-7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tín dụng tăng 7,33% trong 6 tháng đầu năm.
Hiện tại lãi suất tiết kiệm 8%/năm đã trở nên phổ biến cho các kỳ hạn trên sáu tháng. Không ít ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng với lãi suất 9%/năm.
Các doanh nghiệp, nhất là công ty bất động sản, tìm đến phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở mức lãi suất còn hấp dẫn hơn nữa: từ 11-14%/năm. Tất cả đang đưa đẩy mặt bằng lãi suất đầu vào lên những nấc mới và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, năm tháng đầu năm nay các công ty bất động sản trên địa bàn đã phát hành 16.230 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 27% tổng giá trị trái phiếu đã phát hành. Con số tuyệt đối tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành khoảng 60.000 tỉ đồng.
Đấy mới chỉ là ở TPHCM. Ngoài ra, người mua trái phiếu doanh nghiệp đang mở rộng ra các thành phần khác nhau, trong đó có dân cư. Về tổng thể các ngân hàng hiện ít trực tiếp mua trái phiếu doanh nghiệp.
Vì sao doanh nghiệp chấp nhận phát hành trái phiếu với lãi suất cao? Đa số doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản thế chấp, nghĩa là họ không có cửa để vay ngân hàng vì ngân hàng nào cũng yêu cầu tài sản đảm bảo cho khoản vay. Một số công ty lấy chính cổ phiếu của mình để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu.
Cổ phiếu vốn là thứ tài sản ít được ưa chuộng và hạn chế được nhận làm tài sản thế chấp ở ngân hàng. Ngắn gọn, cửa tiếp cận ngân hàng của những doanh nghiệp dạng này cũng chỉ là một khe nhỏ. Như vậy khi không còn cửa vay ngân hàng, doanh nghiệp mới phát hành trái phiếu.
Áp lực tăng trưởng tín dụng để đảo nợ đối với các ngân hàng đã áp dụng chuẩn Basel II là không có.
Tuy nhiên nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục kỳ vọng được nới room tín dụng. Với các ngân hàng như Ngân hàng Quốc tế (VIB); Á châu (ACB); Phương Đông (OCB); Tiên Phong (TPB)… room tín dụng có tăng thêm 5%, thì cũng chỉ là vài ngàn tỉ đồng/ngân hàng tính theo số tuyệt đối.
Trong khi với các “ông lớn” có dư nợ cả triệu tỉ đồng, thì 1% tăng trưởng tín dụng đã là cả chục ngàn tỉ đồng.
Và sau cùng, tín dụng tăng cao hay thấp không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Để phân biệt chính xác và rạch ròi tín dụng có đang thực sự “chảy” vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là chuyện vô cùng khó khăn.
Theo trang web của NHNN, số dư nợ tuyệt đối cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản luôn ở mức thấp hơn các lĩnh vực khác (nếu không nói là thấp nhất), tỷ lệ tăng trưởng cũng thấp.
Ngược lại có một chỉ tiêu chung chung “các hoạt động dịch vụ khác” có dư nợ cao nhất và cao vọt, chiếm tới 27-28% tổng dư nợ toàn ngành. Có lẽ cho vay tiêu dùng, đặc biệt cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống cũng nằm ở chỉ tiêu này chăng?