|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng trưởng tín dụng của Hà Nội gấp đôi toàn ngành và gấp gần ba lần TP HCM trong 8 tháng đầu năm

21:19 | 21/09/2023
Chia sẻ
Đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội đã đạt 10,35% trong khi mức tăng trưởng toàn hệ thống chung chỉ ở mức 5,33% và tại TP HCM chỉ đạt 3,62%.

Thông tin tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội chiều nay (21/9), bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết tính đến cuối tháng 8, dư nợ trên địa bàn thành phố Hà Nội ước đạt 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối năm 2022.

Con số này cao hơn mức tăng của toàn quốc là 5,33%, cũng như cao hơn tăng trưởng tín dụng của Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là 8,35% và gấp ba lần con số của TP HCM (3,26%). Quy mô tín dụng của Hà Nội hiện đang đứng thứ hai trên toàn quốc, chỉ sau TP HCM. 

So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã vượt cả mức tăng trưởng tín dụng được công bố của 8 tháng đầu năm 2022 (đạt hơn 2,86 triệu tỷ, tăng 10,7% so với cuối năm 2021).

Trước đó, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, cho biết dư nợ tín dụng tháng 8 tại thành phố này tăng 3,26% so với cuối năm 2022 và tăng 5,62% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 8, tín dụng đã tăng trưởng 0,92% so với tháng 7. Tín dụng ngắn hạn tại TP HCM tăng 4,92% so với cuối năm ngoái, trong khi tín dụng dài hạn tăng 1,88%. 

Tăng trưởng tín dụng năm 2023 mới chỉ đạt 1/3 kế hoạch. 

NHNN cũng đã cập nhật con số dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 15/9/2023 đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, nhích nhẹ so với con số 5,33% cuối tháng 8.

Trong năm 2023, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng của toàn ngành khoảng 14-15% và đến cuối tháng 7 đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng với tổng mức tăng trưởng tín dụng là 14%. Như vậy, mặc dù đã qua gần 2/3 chặng đường, ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được hơn 1/3 kế hoạch đề ra. 

Theo bà Hà Thu Giang, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một phần do tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS.

Bà cho hay sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...). Do đó, ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

 

Minh Quang