Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 'hạ nhiệt' đáng kể trong quý II
Số liệu chính thức công bố ngày 15/7 cho thấy đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại trong quý II/2021, với người tiêu dùng vẫn do dự trong việc chi tiêu và các công ty vật lộn với chi phí cho nguyên liệu thô tăng cao.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phục hồi nhanh chóng từ đợt sụt giảm năm ngoái do đại dịch COVID-19 gây ra.
Nhưng tốc độ phục hồi này đang giảm dần với hoạt động chế tạo tăng chậm lại và nhu cầu tiêu dùng không tăng nhanh như mong đợi.
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý vừa kết thúc đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm đáng kể so với mức tăng 18,3% trong ba tháng đầu năm.
NBS cho biết kinh tế Trung Quốc tiếp tục "phục hồi ổn định" trong nửa đầu năm 2021, song cũng cảnh báo rằng còn nhiều yếu tố bất ổn bên ngoài và đà phục hồi kinh tế trong nước không đồng đều.
Bản báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc vẫn cần nỗ lực để củng cố nền tảng cho sự phục hồi và phát triển ổn định của nền kinh tế.
Chi phí nguyên liệu thô tăng cao và gián đoạn vận chuyển đang đè nặng lên các nhà sản xuất. Hoạt động của nhà máy Trung Quốc gần đây cũng suy yếu do tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn – vốn được sử dụng để sản xuất nhiều loại hàng hóa từ đồ điện tử đến ô tô.
Tính riêng trong tháng Sáu, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 8,3% và doanh số bán lẻ tăng 12,1%. Hai con số này đều giảm so với tháng trước đó.
Các nhà chức trách cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị là 5%, không thay đổi so với hồi tháng Năm.
Tuy nhiên, có những lo ngại rằng tỷ lệ thất nghiệp thực tế của nước này có thể cao hơn nhiều, do một số lượng lớn lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.
Đầu tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cảnh báo rằng các công ty nhỏ và vừa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn vì chi phí cao hơn, chủ yếu do giá hàng hóa tăng cao.
Ông cho rằng Chính phủ Trung Quốc nên tìm cách hỗ trợ các công ty nhỏ, song nên sử dụng những chính sách kích thích quy mô lớn và ồ ạt.