|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng kinh tế châu Âu chững lại trong quý 2 năm 2019

21:47 | 14/08/2019
Chia sẻ
Theo số liệu của Eurostat, số người có việc làm cũng chỉ tăng 0,2% tại cả các nước Eurozone nói riêng và EU nói chung, đều giảm so với mức tăng chung 0,4 của quý 1/2019.
Tăng trưởng kinh tế châu Âu chững lại trong quý 2 năm 2019 - Ảnh 1.

Kinh tế châu Âu chững lại. (Nguồn: AP)

Tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chậm lại khi chỉ tăng 0,2% trong quý 2/2019 sau khi đạt mức tăng 0,4% trong quý trước đó.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), công bố ngày 14/8, số người có việc làm cũng chỉ tăng 0,2% tại cả các nước Eurozone nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung, đều giảm so với mức tăng chung 0,4 của quý 1/2019.

Trong tháng 6, sản lượng công nghiệp điều chỉnh theo mùa tại Eurozone và EU đều giảm, ở mức lần lượt là 1,6% và 1,5%. So với tháng 6 năm ngoái, chỉ số này tại Eurozone và EU cũng giảm lần lượt ở mức 2,6% và 1,9%.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã điều chỉnh của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ tăng 0,2% trong quý 2, giảm so với mức 0,5% trong 3 tháng đầu năm. Các chuyên gia kinh tế đánh giá các chỉ số này cho thấy nền kinh tế châu Âu nói chung đang trên đà suy giảm.

Cùng ngày, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu cho hay kinh tế Đức đã sụt giảm 0,1% trong quý 2/2019, sau khi tăng 0,4% trong quý 1/2019.

Chỉ số này nêu bật tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trước những căng thẳng thương mại và làm dấy những tranh luận về việc tăng chi tiêu công ở Đức.

Số liệu trên - phù hợp với dự đoán trước đó của các nhà phân tích mà Factset khảo sát ý kiến - đã đưa Đức “gia nhập” nhóm quốc gia châu Âu đang trong tình cảnh kinh tế trì trệ.

Cũng trong quý 2 này, kinh tế Anh sụt giảm 0,2% còn kinh tế Pháp tăng trưởng 0,2%.

Trong thời gian gần đây, kinh tế Đức đã đón một loạt dấu hiệu tiêu cực với các số liệu bất lợi về xuất khẩu và chế tạo.

Ngày 13/8, Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất máy công cụ - ngành công nghiệp lớn thứ hai của Đức sau chế tạo ôtô - thông báo số đơn đặt hàng trong quý 2/2019 giảm 22%.

Trong khi đó, các doanh nghiệp hóa chất và sản xuất ôtô của Đức cũng gặp khó khăn do tăng trưởng kinh tế thế giới “giảm tốc” và hoạt động thương mại chững lại.

Theo các chuyên gia, xung đột thương mại, những bất ổn trên toàn cầu và ngành công nghiệp ôtô trì trệ cuối cùng đã đẩy kinh tế Đức vào tình trạng suy giảm.

Kinh tế Đức đã bắt đầu đối diện với khó khăn kể từ mùa Hè 2018 trước những ảnh hưởng bất lợi của tình trạng xung đột thương mại Mỹ-Trung, bất ổn liên quan tới việc Anh rời EU và sự "hụt hơi" của kinh tế thế giới.

Giới chuyên gia khuyến cáo Chính phủ Đức cần tăng chi tiêu để thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật số hóa và thị trường nhà đất, qua đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước./.

Phương Hoa