Tăng trưởng kinh tế Cần Thơ thấp nhất Đồng bằng sông Cửu Long
Mặt khác, một số lĩnh vực vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nên số lượng lớn doanh nghiệp giải thể, tình trạng doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động để duy trì hoạt động kinh doanh... Đây là vấn đề rất đáng quan tâm và cần tập trung có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế xã hội trong năm 2024 và tạo động lực bức phá để hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu năm, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường yêu cầu giám đốc các sở, ban ngành thành phố, thủ trưởng các cơ quan và Chủ tịch UBND các địa phương rà soát tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của sở ngành, quận, huyện được giao ngay từ đầu năm.
Cụ thể, thành phố tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của UBND thành phố về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Các đơn vị triển khai Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phê duyệt các Quy hoạch chung đô thị, Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, các Quy hoạch về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân đối với các dự án trọng điểm theo Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ và các dự án mời gọi đầu tư để đẩy nhanh triển khai thực hiện các bản ghi nhớ đầu tư với các nhà đầu tư.
Mặt khác, các đơn vị tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Tổ công tác đặc biệt về hỗ trợ xúc tiến đầu tư và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư vào thành phố phải thực hiện hiệu quả.
Các đơn vị triển khai tốt việc chuyển đổi số, đặc biệt quan tâm đầy nhanh tiến độ Đề án 06 về phát triển ứng dụng dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Cần Thơ, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn ước tính quý I/2024 tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,31%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,70%, đóng góp 0,81 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 4,37%, đóng góp 2,25 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 0,54%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế thành phố.
Báo cáo cũng cho thấy, một số điểm sáng đáng trong lĩnh vực kinh tế ghi nhận trong 3 tháng đầu năm của thành phố Cần Thơ. Điển hình, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, thời tiết thuận lợi, giá lúa đang có xu hướng tăng và năng suất thu hoạch cao hơn so cùng kỳ; chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra dịch bệnh; sản lượng thu hoạch thủy sản tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng mặc dù cũng gặp một số khó khăn nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải và du lịch khá nhộn nhịp những tháng đầu năm. Trong quý I/2024, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 499 doanh nghiệp, với tổng vốn 2.966 tỷ đồng (số doanh nghiệp thành lập mới tăng 9,2% và tăng 40,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ).
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội thành phố còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn còn gặp khó khăn, đơn hàng sụt giảm, tồn kho thành phẩm tăng, chi phí sản xuất tăng. Tình hình xuất khẩu gặp khó khăn khi tình hình Biển Đỏ và bất ổn khu vực Trung Đông. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn đều có doanh thu giảm so cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất giấy, in ấn, hóa chất, kim loại cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng mới.
Mặt khác, theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và đã giải thể là 560 doanh nghiệp, tăng 18,64% so với cùng kỳ. Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ không có dự án đầu tư mới; ngoài khu công nghiệp có 1 dự án mới được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, với vốn đầu tư đăng ký 150 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong quý I/2024 thành phố không thu hút được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đến hết quý I/2024, trên địa bàn thành phố có 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.274,97 triệu USD, vốn thực hiện khoảng 671,09 triệu USD, đạt khoảng 29,5% vốn đăng ký.
Nếu so với 5 thành phố Trung ương, Cần Thơ luôn đứng cuối cả về số dự án và vốn đăng ký; trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì xếp thứ 3 về số dự án, nhưng vốn đăng ký đứng vị trí thứ 6.