Tăng trưởng hai con số, GRDP Thanh Hóa tiếp tục đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ trong 9 tháng đầu năm
Theo Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, GRDP ước tính 9 tháng đầu năm tăng 12,46% so với cùng kỳ năm trước (sơ bộ quý II tăng 10,97%; sơ bộ 6 tháng đầu năm tăng 11,78%; ước tính quý III tăng 13,80%), đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 2 cả nước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 20,2%
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 9 tăng 0,70% so với tháng trước, tăng 46,06% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 20,20% so với cùng kỳ (quý I tăng 19,85%, quý II tăng 12,00%, quý III tăng 29,15%).
Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 14,56%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,75%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 26,92%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,12%.
2.411 doanh nghiệp thành lập mới
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 15/9, trên địa bàn tỉnh có 2.411 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 80,4% kế hoạch, tăng 22,5% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước, vốn điều lệ đăng ký đạt 18.417 tỷ đồng, tăng 43,5%
Ngoài ra, có 635 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, giảm 12%; có 1.160 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 20%. Thành lập mới 46 hợp tác xã, vượt 21 hợp tác xã so với kế hoạch.
Ngời ra, tỉnh đã thu hút được 94 dự án (trong đó có 17 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký khoảng 12.432,9 tỷ đồng và 367,8 triệu USD, so với cùng kỳ gấp 1,8 lần về số dự án và tăng 26% về số vốn đăng ký.
Thu ngân sách Nhà nước vượt 20,0% dự toán tỉnh giao
Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến đến ngày 30/9 ước đạt 42.695 tỷ đồng, vượt 20,0% dự toán tỉnh giao, tăng 44,7% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 26.194 tỷ đồng, vượt 19,0% dự toán, tăng 45,7% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 16.501 tỷ đồng, vượt 21,8% dự toán, tăng 43,1% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương tính đến ngày 15/9 ước đạt 30.354 tỷ đồng, đạt 70,4% dự toán, tăng 13,6% so cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển 7.822 tỷ đồng, đạt 64,6% dự toán, tăng 4,6%; chi thường xuyên 21.194 tỷ đồng, đạt 74,1% dự toán, tăng 13,1% so cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng gần 22%
Trong 9 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 111.931 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ (quý I tăng 10,5%, quý II tăng 14,3%, quý III tăng 13,4%).
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 16.401 tỷ đồng, tăng 21,7% so cùng kỳ (quý I tăng 8,1%, quý II tăng 21,8%, quý III tăng 31,6%). Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 3.627 tỷ đồng, tăng 26,0%, doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 12.774 tỷ đồng, tăng 20,6%; doanh thu du lịch lữ hành 215 tỷ đồng, tăng 21,1%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác 16.861 tỷ đồng, tăng 15,6%.
Bình quân CPI tăng 2,85%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,90% so với tháng 12/2023 và tăng 2,23% so với tháng 9/2023.
Bình quân 9 tháng, CPI tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước (bình quân quý I tăng 2,29%; bình quân quý II tăng 3,43%; bình quân quý III tăng 2,77%).