|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

9 tháng đầu năm có 6 địa phương có GRDP trên 10%, Bắc Giang cao nhất cả nước

07:49 | 08/10/2024
Chia sẻ
Trong 9 tháng đầu năm, Bắc Giang, Thanh Hóa, Lai Châu, Hà Nam, Điện Biên và Khánh Hòa là những địa phương có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10%, cao nhất cả nước.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.

Xét theo từng địa phương, trong số 63 tỉnh, thành có tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng trong 9 tháng đầu năm, có đến 6 địa phương có GRDP tăng trưởng trên 10%.

Các địa phương có GRDP tăng trên 10% trong 9 tháng đầu năm 2024. (Nguồn: Cục Thống kê các tỉnh - Nguyễn Ngọc tổng hợp).

Bắc Giang có GRDP tăng 13,89%, cao nhất cả nước

Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng do mưa bão gây thiệt hại trong đời sống và sản xuất, song kinh tế của tỉnh Bắc Giang vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh tăng khoảng 13,89%, cao nhất cả nước.

Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, đóng góp 12,92 điểm % vào mức tăng GRDP, đây là khu vực chính dẫn dắt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh.

Động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn là khu vực công nghiệp và tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các sản phẩm chính vẫn là linh kiện điện tử. Khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá, đóng góp 0,96 điểm % vào mức tăng GRDP.

Trong 3 khu vực, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do mất mùa vụ vải thiều, ảnh hưởng của bão số 3, tác động làm giảm 0,24 điểm % vào mức tăng chung.

Thanh Hóa GRDP tăng 12,46%

Theo Cục Thống kê tỉnh Thanh Hoá, GRDP ước tính 9 tháng đầu năm năm tăng 12,46% so với cùng kỳ năm trước (sơ bộ quý II tăng 10,97%; sơ bộ 6 tháng đầu năm tăng 11,78%; ước tính quý III tăng 13,80%).

Trong đó, sản xuất công nghiệp mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn tăng trưởng mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 20,2%.

Trong lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu tăng 27,3%; tổng lượng khách du lịch vượt 4,7% kế hoạch và tăng 19,6%, tổng thu du lịch tăng 39,2%; doanh thu vận tải tăng 14,3%.

Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 42.695 tỷ đồng, vượt 20% dự toán, tăng 44,7% so với cùng kỳ, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.

Lai Châu GRDP tăng 11,63%

Theo Cục Thống kê tỉnh Lai Châu, GRDP ước tính 9 tháng đầu năm năm tăng 11,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, IIP tăng 43,30% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng chỉ số (IIP) so với cùng kỳ năm trước là do mức tăng của ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 43,75% do năm nay mưa nhiều.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 6.563.348 triệu đồng, tăng 7,36% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 13,9 triệu USD, đạt 34,2% kế hoạch, giảm 57,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,9 triệu USD, bằng 55,2% kế hoạch, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 4,0 triệu USD, bằng 17,6% kế hoạch, giảm 81,0% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Nam GRDP tăng 10,89%

Theo Cục Thống kê Hà Nam, trong 9 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh ước tính tăng 10,89% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao thứ nhất vùng Đồng bằng Sông Hồng, thứ 4 toàn quốc.

Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng ước tính tăng 13,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 8,77 điểm % vào mức tăng GRDP. Khu vực dịch vụ ước tính tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,77 điểm % vào mức tăng GRDP.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 0,58% sovới cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, 9 tháng ước tính tăng 5,19% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,3 điểm % vào mức tăng GRDP chung của tỉnh.

Điện Biên GRDP tăng 10,55%

Theo Cục Thống kê tỉnh Điện Biên, GRDP 9 tháng đầu năm năm theo giá so sánh năm 2010 đạt 11.423,4 tỷ đồng, tăng 10,55% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng tăng 11,29%, quý III tăng 9,09%),

Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản đạt 1.574,1 tỷ đồng, tăng 3,74%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 2.323,2 tỷ đồng, tăng 9,48% (công nghiệp tăng 19,71%); khu vực dịch vụ đạt 7.006,35 tỷ đồng, tăng 12,82%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 519,79 tỷ đồng, tăng 7,42%.

Tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo giá so sánh 2010 tăng 10,55% đạt cao so với các tỉnh cùng khu vực. (xếp thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 5/63 tỉnh thành, phố).

Khánh Hòa GRDP tăng 10,45%

Theo Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng tăng 10,45% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào tổng mức tăng trưởng của toàn tỉnh, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất với 20,39%.

Trong đó, công nghiệp tăng 23,01%, đóng góp tăng 4,69 điểm phần trăm; xây dựng tăng 15,6%, đóng góp tăng 1,74 điểm phần trăm, với nhiều công trình trọng điểm của quốc gia và của tỉnh được khởi công. Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu nhờ vào sản xuất và phân phối điện tăng cao (gấp 2,24 lần, đóng góp tăng 4,79 điểm phần trăm); còn công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 1,34%.

Khu vực dịch vụ dù chỉ tăng 7,47% nhưng lại chiếm tỷ trọng cao nhất trong GRDP toàn tỉnh. Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,32% do lượng khách quốc tế tăng cao nhờ công tác kích cầu du lịch của tỉnh, cùng với thị trường du lịch nội địa dần khởi sắc trở lại. Cùng với đó, kết quả thu ngân sách nhà nước của tỉnh rất tích cực, đạt 93,6% dự toán. 

Ngọc Bảo

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.