FiinGroup: Cơn bão Yagi có thể khiến tăng trưởng GRDP Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai giảm 0,5%
Theo báo cáo Tác động của cơn bão Yagi đến kinh tế Việt Nam từ FiinGroup, tháng 9/2024 chứng kiến những tác động nghiêm trọng từ cơn bão Yagi, gây ra thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là Hải Phòng và Quảng Ninh.
Cơn bão đã làm ngập lụt và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của các khu vực này. Theo số liệu từ FiinGroup, các tỉnh bị ảnh hưởng đóng góp khoảng 25,81% GDP của cả nước và có tới 111 khu công nghiệp cùng 4,760 doanh nghiệp FDI hoạt động trong các lĩnh vực chủ chốt như công nghệ thông tin, sản xuất, xây dựng, và du lịch.
Ước tính thiệt hại do cơn bão gây ra thiệt hại kinh tế, bão Yagi gây thiệt hại nghiêm trọng cho 26 tỉnh thành phía Bắc Việt Nam, bao gồm các khu vực kinh tế trọng điểm như Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nội.
Đây là những địa phương có các ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp 25,81% GDP và 17,27% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Bão Yagi cũng gây ra gián đoạn cho hoạt động logistics, sản xuất, nông nghiệp, thương mại và du lịch.
Thiệt hại từ cơn bão này cũng dẫn đến giảm 0,15% tăng trưởng GDP năm 2024, với các ngành chính như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều có suy giảm. Cụ thể, FiinGroup dự báo, khu vực nông, lâm, thuỷ sản mức tăng trưởng sẽ bị giảm khoảng 0,33% so với kịch bản không có bão, khu vực công nghiệp sụt giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.
Đặc biệt là tăng trưởng GRDP của các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên và Lào Cai dự báo sẽ sụt giảm tới 0,5% so với bình thường.
Với ngành ngân hàng, bão Yagi làm trầm trọng thêm các vấn đề về trả nợ, với khoảng 100.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng.
Các ngân hàng đã phản ứng bằng cách giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ. Ngành bảo hiểm, dự kiến sẽ có nhiều yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản và nhân thọ, đồng thời các rủi ro đối với bảo hiểm phi nhân thọ cũng tăng lên đáng kể do thiên tai xảy ra ngày càng thường xuyên.
Ngay sau khi cơn bão Yagi đổ bộ gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho các tỉnh phía Bắc, Chính phủ dã ban hành Nghị quyết 143 với các nội dung tập trung vào hỗ trợ các cá nhân, người lao động, nhóm dễ bị tổn thương, doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Các biện pháp hỗ trợ chủ yếu sẽ được thực hiện vào tháng 9 và tháng 10/2024, với một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được kéo dài đến hết năm 2025 để phù hợp với quá trình phục hồi và các yếu tố sản xuất mang tính thời vụ.
Cho dù chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài như thiên tai, thời tiết, các chuyên gia Fiingroup vẫn đánh giá bằng với nội lực kinh tế kiên cường và các biện pháp ứng phó nhanh, nền kinh tế Việt Nam sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại lâu dài và hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh hơn.
Bên cạnh đó, một số ngành như vật liệu xây dựng, bán lẻ và logistics có thể hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng do các nỗ lực phục hồi, trong khi các chương trình hỗ trợ của Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế.