Điện Biên 'bất ngờ' lọt top 10 tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước 9 tháng đầu năm
Theo Cục Thống kê Điện Biên, trong 9 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh ước đạt 11.423,4 tỷ đồng, tăng 10,55% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng tăng 11,29%, quý III tăng 9,09%), xếp thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 5/63 tỉnh thành, phố).
Đáng chú ý, trong năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở Điện Biên là 2,182 triệu đồng/tháng, thấp nhất cả nước.
IIP tăng 20,65%
Trong quý III, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng tích cực hơn quý trước và so cùng kỳ năm trước, là quý cao điểm của mùa mưa, lượng mưa năm nay lớn và kéo dài nên thuận lợi cho ngành sản xuất thủy điện nên sản lượng điện tăng mạnh, tác động lớn đến chỉ số chung của toàn ngành công nghiệp.
Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 70,98% so với quý trước và tăng 29,01% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,28%).
Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 7,73%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,43%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 46,79% (cùng kỳ năm trước giảm 20%); ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,54%.
125 doanh nghiệp thành lập mới
Trong 9 tháng, tỉnh có 125 doanh nghiệp thành lập mới, so với cùng kỳ tăng 30,20% với số vốn đăng ký trên 760 tỷ đồng, tăng 13,93%; 120 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng kinh doanh, tăng 84,61%, có 46 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ, giải thể 10 doanh nghiệp, giảm 23,08%.
Dự ước số doanh nghiệp đăng ký mới thực tế đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh là 37 doanh nghiệp, chiếm 29,60% số doanh nghiệp thành lập mới và sử dụng khoảng 330 lao động chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ vận tải và tư vấn xây dựng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 22,96%
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tính đạt 2.317,92 tỷ đồng, tăng 1,28% so với tháng trước, tăng 27,63% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.871,09 tỷ đồng, giảm 0,12% so với quý trước và tăng 27,04% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 19.599,19 tỷ đồng, tăng 22,96% so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách Nhà nước giảm 6,13%
Trong 9 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.060,29 tỷ đồng, giảm 6,13% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 10.975,5 tỷ đồng, tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 3.332,07 tỷ đồng (chiếm 30,06%), giảm 12,97%; chi thường xuyên đạt 7.640,28 tỷ đồng (chiếm 69,61%), tăng 19,53%.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 13,29%
Trong 9 tháng, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 96,71 triệu USD, tăng 13,29% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74,39% kế hoạch năm,
Trong đó, xuất khẩu đạt 65,12 triệu USD giảm 7,62% và đạt 74%, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng nông sản (ngô giống, quả thảo, quả khô,...) và vật liệu xây dựng (thép xây dựng các loại, gạch men, xi măng).
Nhập khẩu ước đạt 31,59 triệu USD tăng gấp 2,12 lần, đạt 75,22% so với kế hoạch. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Gỗ, hàng nông sản, máy móc thiết bị.
Bình quân CPI tăng 1,18%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 1,78% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 1,15% và so kỳ gốc năm 2019 tăng 9,22%.
Bình quân quý III năm 2024, CPI tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, CPI tăng 1,18% so với cùng kỳ năm trước.