|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng GDP: Tăng lượng, nhưng cần cả về chất

20:49 | 08/10/2016
Chia sẻ
Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 6,3-6,5%, muốn đạt được như vậy thì tăng trưởng quý IV phải đạt 7,1-7,3%.

Với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn và biến động ở cả trong nước và quốc tế, mục tiêu có thành hiện thực? Về vấn đề này, Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội.

tang truong gdp tang luong nhung can ca ve chat

Thủ tướng đã hạ tăng trưởng GDP xuống 6,3-6,5% so với mức 6,7% đề ra từ đầu năm, bà đánh giá như thế nào về những tác động đến mục tiêu tăng trưởng này?

Sau năm 2015 khá thành công, hiếm có năm nào có nhiều biến động như 2016. Đây là một năm điển hình với những khủng hoảng về môi trường mà sự kiện xấu nhất là Formosa tại 4 tỉnh miền Trung, tiếp đó là hạn hán, xâm nhập mặn, lụt ở TP.HCM, ô nhiễm ở Hà Nội…

Hơn nữa, năm 2015, nước ta ký kết được nhiều hiệp định FTA, nhưng cho đến nay hiệu quả vẫn chưa thấy rõ. Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) có hiệu lực từ 31-12-2015 nhưng vẫn chưa có tác động rõ rệt, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dù ký xong nhưng vẫn đang phải chờ đợi từ kết quả của chính trường Mỹ…

Về ngành nông nghiệp, với hơn 50% lao động nghề nông nhưng lại đóng góp rất ít cho tăng trưởng GDP, chủ yếu nhằm giải quyết công ăn việc làm. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế quản lý hiệu quả nên nông nghiệp từ đầu năm lại tăng trưởng âm, vấn nạn an toàn vệ sinh thực phẩm khiến không ít người dân quay lưng lại với nông nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh như vậy, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 6%, trong khi Chính phủ vẫn quyết giữ mục tiêu tăng trưởng 6,3-6,5%.

Điểm lạc quan là quy luật kinh tế thường tăng trưởng nhiều vào quý III, IV. Vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào phần đầu tư nước ngoài (FDI), mà những hợp đồng với các doanh nghiệp FDI thường dồn vào cuối năm. Do đó, những tháng còn lại của năm có nhiều động lực giúp GDP tăng trưởng khả quan.

Những tác động có phần tiêu cực nêu trên đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp, thưa bà?

Những tác động trên đã phần nào dẫn đến tâm lý bất an của người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Một khi tâm lý người dân bất an thì tăng trưởng kinh tế kém phục hồi, nhất là khi tâm lý bất an này đã khá dài. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nói, kể từ khi gia nhập WTO, mặc dù kinh tế tăng trưởng nhưng quy mô doanh nghiệp lại thu nhỏ lại, với tâm lý thà doanh nghiệp bé nhưng sống yên còn hơn.

Chúng ta đều biết doanh nhân là một trong những thành phần quan trọng để nuôi sống đất nước. Nhưng điều đáng buồn là hàng năm, tỷ lệ người Việt Nam định cư ở nước ngoài ngày càng cao, đây là “làn sóng di cư thứ ba” của tầng lớp doanh nhân, trí thức, những người có khả năng đem lại nhiều kiến thức, giá trị gia tăng cho đất nước. Ví dụ như từ đầu năm, khi xảy ra tranh cãi về việc “hình sự hóa” tội kinh doanh trên mạng, đã có nhiều doanh nhân khởi nghiệp bỏ đi, bởi thủ tục thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài rất dễ dàng.

Một cựu sinh viên của tôi cho biết đã chuyển doanh nghiệp sang một quốc gia rất “lạ” là Estonia, cũng thuộc EU. Thủ tục thành lập tại đây dễ đến nỗi tất cả thủ tục đều online, hơn nữa, hàng hóa của doanh nghiệp thành lập ở EU thì việc phân phối, xuất khẩu dễ dàng hơn. Điều này dẫn đến tình trạng tiền thuế doanh nghiệp đóng cho nước ngoài, Việt Nam chỉ được hưởng công lao động thô, ngay cả nguyên vật liệu cũng là hàng nhập khẩu.

Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao độ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn còn không ít tồn tại, nguyên nhân vì sao, thưa bà?

Từ khi có bộ máy Chính phủ mới đến nay, Thủ tướng đã thể hiện thái độ tích cực, đưa ra nhiều chế tài tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, cải cách thủ tục hành chính. Nhưng một người lãnh đạo không thể làm gì được nếu như bộ máy không hoạt động tốt. Vì thế Chính phủ đang cố gắng làm trong sạch bộ máy, điều này sẽ giúp tạo nên nhiều thành công và đột phá hơn.

Cùng với Chính phủ, đã có nhiều cơ quan tích cực đóng góp cho sự thay đổi của đất nước, tuy nhiên do cơ chế, tác dụng cũng bị hạn chế. Ví dụ như TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổng kết được là một năm cơ quan ông tháo được bao nhiêu giấy phép thì bên dưới lại tăng lên ngần ấy, nó chỉ biến tướng đi thôi. Vậy nên, vấn đề chủ yếu là phải quyết liệt cải cách cơ chế “xin-cho” để ngăn chặn cán bộ thừa hành tìm đủ cách gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm gia tăng tình trạng tham nhũng.

Hơn nữa, kinh tế chững lại vì kinh tế Việt Nam tăng trưởng không bền vững do những thứ mà chúng ta đang tập trung khai thác là bất động sản hay tài nguyên chỉ là hữu hạn, nên không thể kéo dài được lâu. Sự tăng trưởng thiếu bền vững này đã làm chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do đó, cần một định hướng chiến lược phát triển rõ ràng hơn.

Vậy bà đánh giá như thế nào về tình hình tăng trưởng kinh tế vào năm 2017 và những năm tiếp theo?

Kinh tế thế giới và khu vực năm 2016 cũng không ổn thỏa, nhưng tác động từ thế giới đến Việt Nam luôn có một độ trễ nhất định vì chúng ta là nước phụ thuộc vào họ, chúng ta sống bằng hợp đồng đã ký với họ chứ không phải hợp đồng đang ký, ví dụ như khủng hoảng tài chính thế giới 2008 phải đến 2009 mới trực tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam. Kinh tế nước Mỹ là đối tác quan trọng của Việt Nam thời gian qua đang tăng trưởng khá, sự kiện Brexit chưa trực tiếp tác động đến Việt Nam, vì vậy, khó khăn của kinh tế trong nước 2016 là do những vấn đề đặc thù của Việt Nam như đã nêu trên.

Nên theo tôi, tăng trưởng kinh tế năm nay và sang năm 2017 dù vẫn tăng trưởng nhưng sẽ có sự chậm dần đều. Hơn nữa, sự tăng trưởng này không phải tăng trưởng bền vững bởi chúng ta không dựa trên giá trị gia tăng thực tế mà dựa trên nguồn lao động giá rẻ, kèm theo những vấn đề xã hội chưa được giải quyết. Vì thế, xu thế gần đây là quốc tế nhìn Việt Nam tích cực hơn là người Việt Nam nhìn người Việt Nam do thế giới chỉ nhìn thấy những chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế mà không nhìn thấy thực tế trong sản xuất, tăng trưởng của Việt Nam.

Xã hội ổn định thì kinh tế sẽ phát triển bền vững. Do vậy, nhiệm vụ của Chính phủ là sang năm phải có quyết sách lớn hơn cả về kinh tế và xã hội để năm 2017 có sự đột phá hơn. Chính phủ cũng cần lưu ý để không chỉ chạy theo các mục tiêu về số lượng mà phải tăng chất lượng lên, để tạo sự bền vững cho tăng trưởng, ổn định xã hội, giúp nền kinh tế có thể chống đỡ được các tác động từ trong và ngoài nước.

Theo Hương Dịu