|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng quy mô gói tín dụng ưu đãi lâm thuỷ sản lên 30.000 tỷ

11:37 | 21/02/2024
Chia sẻ
Đây là kết luận của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 của NHNN diễn ra ngày 20/2.

 Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. (Ảnh: SBV).

 

Chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có thể được xem là gói vay khá thành công trong năm 2023 khi đây là chương trình vay ưu đãi duy nhất đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho trên 6.000 lượt khách hàng vay vốn.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Xét theo ngành kinh tế, tạm tính đến cuối năm qua, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản tăng 6,95%.

Với sự thành công đó, Phó Thống đốc cho rằng đây là vấn đề cần bàn thêm với các tổ chức tín dụng nhằm tăng quy mô cung ứng vốn cho lĩnh vực ưu tiên tại hội nghị về phát triển tín dụng năm 2024 diễn ra sáng 20/2. "Ngân hàng đang đăng ký cho vay 15.000 tỷ đồng, đã hiệu quả thì nhân gấp đôi lên 30.000 tỷ đồng. Những ngân hàng đăng ký rồi thì có thể đăng ký thêm nữa", ông nêu vấn đề.

Đề xuất này nhận được sự đồng thuận của nhiều ngân hàng. Ông Phạm Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho hay hiện ngân hàng cũng không có vướng mắc khó khăn gì và sẽ tăng dư nợ gói tín dụng với lãi suất ưu đãi này theo yêu cầu của NHNN. Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết sẵn sàng tăng quy mô cung ứng vốn với lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực này.

Gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản này được chính thức ban hành vào ngày 14/7/2023 và có thời gian triển khai đến hết 30/6/2024 với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1 - 2%/năm so với lãi vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường.

Đến nay, đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình gồm: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, SHB.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã thống nhất việc sẽ tăng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi cho lâm thuỷ sản từ 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng với sự tham gia của các ngân hàng hiện có.

 

H.T