Tăng lương cơ sở bình quân 7% mỗi năm
|
Theo Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (9/11), các đại biểu ủng hộ điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm.
Căn cứ tình hình thực tế, mức điều chỉnh cụ thể sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Trong báo cáo giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng mức điều chỉnh lương của giải đoạn 2011 - 2015, cơ bản chưa thực hiện được mục tiêu đề ra.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, ngân sách đã thực hiện 1 số lộ trình cải cách tiền lương như điều chỉnh tăng lương cơ sở 3 lần, thực hiện phụ cấp công vụ 25%, 1 lần điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp người có thu nhập thấp (hệ số lương 2,34 trở xuống).
Tuy nhiên, cơ quan giải trình cho rằng đây cũng thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong việc thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong bối cảnh quy mô thu ngân sách tăng chậm, trong khi áp lực chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và thực hiện các chính sách an sinh xã hội rất lớn.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ trình Quốc hội dự kiến bố trí nguồn để điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm. Căn cứ tình hình thực tế, mức điều chỉnh cụ thể sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách hằng năm, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho biết.
Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, trong điều hành, cần căn cứ khả năng thu, phấn đấu điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi với mức tăng bình quân cao hơn so với mức Chính phủ trình.
Trước đó, thảo luận tại Quốc hội, các đại biểu đã bày tỏ nhiều quan điểm về mức dự kiến tăng 7% của Chính phủ áp dụng cho mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi và đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho rằng sẽ không hợp lý nếu cải cách chế độ lương nếu áp dụng cho mọi đối tượng chung một lộ trình. Ngoài ra, các đại biểu cũng lo ngại về tình trạng nguồn ngân sách cho việc tăng lương theo dự kiến và nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.
'Cần tính toán lại việc tăng 7%-8% lương cơ sở' |