|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Cần tính toán lại việc tăng 7%-8% lương cơ sở'

20:08 | 01/11/2016
Chia sẻ
Hoan nghênh Chính phủ có thể dành 7%-8%/năm tăng lương, tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi, thì đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa đi vào bản chất của cải cách chế độ tiền lương khi mọi đối tượng còn chung một lộ trình.
can tinh toan lai viec tang 7 8 luong co so
Đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi. Ảnh: Vietnamnet

Trong buổi thảo luận chiều 1/11, đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi, đoàn Thanh Hóa cho biết, rất hoan nghênh khi Chính phủ đã dành một nguồn lực để điều chỉnh mức tiền lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức. Song theo ông, mức bình quân tăng 7-8% cần tính toán lại.

Không để mọi đối tượng cùng lộ trình

Ông Lợi cho rằng, chế độ tiền lương hiện nay bất hợp lý khi một chế độ áp dụng chung cho toàn bộ đối tượng công chức với 18 loại phụ cấp. Cùng là công chức nhưng ngành này có phụ cấp cao hơn ngành khác, thâm niên có chế độ lương khác.

Theo ý kiến của ông, với 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức thì chỉ có 500.000 cán bộ công chức viên chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương, với 2,2 triệu công chức viên chức còn lại phải tính đúng tính đủ chi phí theo kết quả đầu ra. Như vậy mới thực hiện được chính sách cải cách tiền lương.

Trong khi lương tối thiểu của khu vực kinh doanh được xác định theo vùng và điều chỉnh vào ngày 01/1 hàng năm để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động. Lương cơ bản của công chức nhà nước lại xác định theo cách khác.​

Ngoài ra, đề xuất tăng lương cơ bản bao gồm cả nhóm hưu trí và người có công, vị đại biểu cho rằng, nhóm này không nên nằm trong cải cách tiền lương. Bởi, nhóm này đã được điều chỉnh theo nguyên tắc khi chỉ số giá tiêu dùng và điều kiện kinh tế xã hội tăng lên thì sẽ điều chỉnh tăng.

Hơn nữa, người nghỉ hưu vừa được điều chỉnh tăng lương 8% vào năm 2015 theo tiêu chí “không để cho người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở” và có một nhóm có mức lương không thấp hơn 2 triệu đồng rồi.

Theo ông Lợi lộ trình tăng lương bình quân 7-8% chỉ là giải pháp tình thế, chưa đi vào bản chất của cải cách chế độ tiền lương.

Ủng hộ quyết định tăng lương của Chính phủ, nhưng đại biểu Nguyễn Bắc Việt, đoàn Ninh Thuận cũng phản đối cách tăng lương mọi đối tượng như nhau. Đại biểu này đề xuất, nếu mức đề nghị chung cho các đối tiện là 7% thì mức hưu trí và có công là 8%.

Ngân sách còn nợ bảo hiểm xã hội 100.000 tỷ?

Các đại biểu lo ngại về nguồn ngân sách cho việc tăng lương theo dự kiến. Cho đến nay, Chính phủ vẫn còn nợ khoản nợ của bảo hiểm xã hội (BHXH) 22.000 tỷ đồng từ năm 1995. Theo nhẩm tính của ông Lợi, với 22.000 tỷ đồng nói trên, nợ hơn 20 năm “nếu lãi mẹ đẻ lãi con thì Quỹ BHXH đã có 100.000 tỷ đồng".

Chính phủ cũng đã cam kết trước Quốc hội sẽ có lộ trình từ năm từ năm 2016 sẽ trả dần khoản này cho đến năm 2020 thì kết thúc. Chính phủ cần phải xác định kế hoạch, lộ trình để bố trí nguồn ngân sách để chuyển trả vào quỹ BHXH để đóng cho những người lao động đã tham gia BHXH trước năm 1995.

Song trước tình hình ngân sách đang ngày càng thu hẹp như hiện nay “không biết Chính phủ sẽ cân đối nguồn này như thế nào”, đại biểu Lợi băn khoăn.

Đại biểu Bùi Sĩ Cương đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện theo nguyên tắc phân phối theo lao động nhằm đảm bảo “tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác” và coi chính sách tiền lương như là đầu tư cho sự phát triển.

Tuy nhiên để cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ cần sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp, cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới áp lực của thị trường.

Nhà nước cần phải thực hiện khoán chi dịch vụ công theo kết quả đầu ra. Không nên phân biệt đơn vị Nhà nước hay đơn vị tư nhân, phải lấy hiệu quả làm thước đo.

Thái Hoàng - Thanh Xuân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.