Tăng giá dịch vụ, tăng danh mục kỹ thuật, thông tuyến và trục lợi dẫn đến bội chi BHYT
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong năm 2017, quỹ BHYT chỉ thu vào khoảng 80.000 tỷ đồng, trong khi thực chi dự kiến sẽ lên tới 85.000 tỷ đồng, bội chi 5.000 tỷ đồng. Theo thống kê, đến nay đã có 35 tỉnh có số chi khám chữa bệnh vượt trên 100% quỹ khám chữa bệnh, thậm chí có những tỉnh đã chi trên 100%. Điển hình như Quảng Nam đã chi trên 200% trong 3 quý đầu năm.
Tăng giá dịch vụ, tăng danh mục kỹ thuật, thông tuyến và trục lợi BHYT là những nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ BHYT. |
Ông Lê Văn Phúc, Phó Ban thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho rằng nguyên nhân gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT là do gia tăng giá dịch vụ y tế, nhiều cơ sở y tế không thực hiện đúng định mức theo quy định, thống kê thanh toán dịch vụ kỹ thuật còn nhiều bất cập, chỉ định dịch vụ kỹ thuật trùng lặp, lạm dụng chỉ định xét nghiệm và tăng số lượng chữa bệnh nội trú và ngoại trú... ; đặc biệt là trục lợi BHYT vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương.
Ông Phúc chỉ ra tại TP Hồ Chí Minh, có những bệnh nhân điều trị đồng thời ở 2 bệnh viện, chưa ra bệnh viện này thì đã nhập viện ở bệnh viện khác. Chẳng hạn như bệnh nhân Đặng Thị Hồng L. điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn từ ngày 24/5 đến 21 giờ ngày 25/5 nhưng sáng ngày 25/5 bệnh nhân này lại điều trị ở bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mượn thẻ BHYT để khám bệnh. Không chỉ bệnh nhân mà ngay cả nhân viên y tế cũng trục lợi BHYT bằng cách lấy dữ liệu thẻ của người đã chuyển đi chỗ khác để lập hồ sơ, rút ruột hàng chục triệu đồng. Đơn cử như tại Vĩnh Long, một bác sĩ đã lập khống 272 lượt khám chữa bệnh để đề nghị thanh toán trên 49 triệu đồng.
Ngoài ra, do chi phí giường bệnh cao nên nhiều cơ sở y tế trục lợi bằng cách kéo dài thời gian nằm điều trị nội trú của bệnh nhân. Cụ thể như trong điều trị mổ phaco quy định nằm 2 ngày nhưng có những bệnh nhân nằm viện điều trị nội trú lên đến 5 ngày, hay sinh thường chỉ nằm 3 ngày nhưng bệnh viện lại cho nằm tới 7 ngày...
Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nhằm hạn chế vấn đề bội chi quỹ BHYT, cần phải xây dựng gói dịch vụ phù hợp với khả năng chi trả và cho phép bác sĩ có thể thu thêm ngoài BHYT, không thể đẩy bác sĩ và cán bộ bảo hiểm vào tình huống khó xử, nhất là trong bối cảnh kết dư từ những năm trước vẫn còn ít. Bên cạnh đó, cần phải tập trung 4 giải pháp như phát triển đối tượng, nâng mệnh giá, huy động những nguồn đã có và có phải pháp về quản lý hiệu quả.
Còn ông Lê Văn Phúc cũng cho rằng, cần phải xây dựng lộ trình tăng thu mức đóng BHYT, xây dựng gói quyền lợi phù hợp với khả năng chi trả của quỹ; tăng cường khám tại y tế cơ sở, giảm khám bệnh tại tuyến trung ương và xây dựng mức giá phù hợp; đồng thời phải tăng cường phối hợp chống lạm dụng, trục lợi quỹ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Tại hội nghị "Giải quyết vướng mắc trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế” diễn ra vào ngày 16/10 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, những vướng mắc trong thanh toán BHYT vừa qua đã gây những khó khăn trong hoạt động khám chữa bệnh, trong thanh toán cũng như gây khó cho bệnh nhân. Để giải quyết những vướng mắc trong thanh toán BHYT hiện nay, Bộ Y tế đang đưa ra những giải pháp đó là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức điều hành và giải pháp về kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra giám sát, sau đó thanh tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm lạm dụng kỹ thuật, trục lợi bảo hiểm y tế và đồng thời xử lý vi phạm nếu như cơ quan BHXH từ chối thanh toán hợp lý của bệnh nhân và bệnh viện.
Mức đóng bảo hiểm xã hội đã quá cao
Việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội phải căn cứ “sức khoẻ” DN, có thể giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc ... |