Tăng đại biểu chuyên trách, hướng đến một Quốc hội chuyên nghiệp
Trong tuần, tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, vấn đề nâng tỷ lệ và độ tuổi của đại biểu chuyên trách trong Quốc hội đã nhận được sự đồng thuận cao. Đa số cho rằng, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách đồng nghĩa với việc hiện thực hóa mục tiêu Quốc hội chuyên nghiệp.
Tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 37-40%
Tại phiên họp thứ 42, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định tỷ lệ ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như hiện nay thì cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên mức 37%- 40% tổng số đại biểu Quốc hội hoặc cao hơn nữa.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm ủng hộ phương án tăng số đại biểu chuyên trách trong Quốc hội lên 40% và cho rằng, tỷ lên này là hợp lý vì đại biểu chuyên trách mới dành nhiều thời gian nghiên cứu luật hơn là đại biểu kiêm nhiệm. Ngay cả các thành viên Ủy ban nhưng không chuyên trách thì việc tham gia các cuộc họp cũng đã khó khăn.
Từ thực tế hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nên quy định rõ trong luật là số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất phấn đấu từ 37% đến 40% tổng số đại biểu Quốc hội như hướng dẫn của Trung ương.
Khẳng định việc tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách tại các Ủy ban của Quốc hội là cần thiết song Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn: “Đại biểu Quốc hội liên quan đến cơ cấu, thành phần.
Số đại biểu chuyên trách ít nhất phụ cấp 1,2. Phương án đưa ra tại dự thảo luật lại quy định đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là Giám đốc Sở. Cho nên cơ cấu này phải tính để khi triển khai thực hiện đạt được tiêu chuẩn mà đưa về Quôc hội làm chuyên trách cho đảm bảo, không thì rất khó”
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, để đảm bảo khối lượng công việc của Quốc hội thì cần nâng đại biểu hoạt động chuyên trách lên 40%. Còn vấn đề chính sách thế nào thì Quốc hội cần tính toán.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách (TC-NS) Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh việc nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách cũng chính là hướng đến một Quốc hội chuyên nghiệp vì khi đó, người dành 100% thời gian làm công tác chuyên môn ở Quốc hội cao hơn.
Thu hút chuyên gia làm đại biểu chuyên trách
Về cơ cấu đại biểu Quốc hội, có ý kiến đề nghị cần có chính sách thu hút các cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; không khống chế độ tuổi tối đa của đại biểu Quốc hội hoặc kéo dài tuổi làm việc của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (65-67 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động để phát huy tối đa trí tuệ, kinh nghiệm của đại biểu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, quy định của Luật phải làm sao thu hút được các chuyên gia nhưng đồng thời đã từng công tác ở cơ quan Quốc hội hoặc từng công tác ở các Bộ, nếu được thì không giữ chức vụ gì cả, chỉ làm đại biểu Quốc hội, để thu hút chất xám và đặc biệt là kinh nghiệm công tác và trí tuệ của họ, uy tín của họ, đóng góp cho hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo nhận thấy, đây là một đề xuất có tính tích cực cao, cần được xem xét.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của pháp luật thì đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là chức danh cán bộ, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, nên nếu có quy định riêng về tuổi làm việc đối với đại biểu Quốc hội thì cần được tính toán để thể hiện ngay trong Luật Tổ chức Quốc hội.
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nâng lên tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên 40% tổng số đại biểu Quốc hội để phấn đấu. Trong đó, dành khoảng 5% để thu hút những người từng giữ chức vụ lãnh đạo Bộ ban ngành ở Trung ương và địa phương còn đủ sức khoẻ, uy tín, có bản lĩnh, kinh nghiệm, kiến thức.
Trong trường hợp bầu không đạt tỷ lệ thì quá trình hoạt động Quốc hội có thể cơ cấu để tăng cường đại biểu hoạt động chuyên trách.
“Những người được thu hút vào hoạt động Quốc hội không cần giữ chức vụ gì. Thượng viện, Hạ viện của Nhật Bản có cả Ngoại trưởng tham gia khi thôi nhiệm vụ và nhiều nước làm như thế” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, vẫn trình 2 phương án để Quốc hội xem xét quyết định nhưng chuyển phương án tăng tỷ lệ lên 40% thành phương án 1. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề nhân sự nên cũng phải báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.