Quốc hội yêu cầu thay thế cán bộ, công chức yếu kém
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo nghị quyết trước khi Quốc hội thông qua - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 27-11, trước khi bế mạc, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục những tồn tại, bất cập đối với những lĩnh vực, nội dung được Quốc hội chất vấn.
Phải đánh giá đúng năng lực cán bộ
"Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong công tác cán bộ; xử lý nghiêm các sai phạm, xem xét thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, vi phạm các quy định trong thực thi công vụ, không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm", Nghị quyết nêu rõ.
Đối với lĩnh vực nội vụ, Quốc hội còn yêu cầu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, phân loại đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với các nội dung theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.
Đồng thời rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, nhất là quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm.
Ngay trong năm 2019, phải xử lý dứt điểm những bất cập về hợp đồng đối với giáo viên và nhân viên y tế; chỉ đạo sát sao đối với việc thực hiện tinh giản số lượng người làm việc trong ngành giáo dục, y tế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, song vẫn phải bảo đảm đủ khả năng cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho xã hội.
Sớm nghiên cứu sửa đổi mức giá bán lẻ điện
Đối với lĩnh vực công thương, Quốc hội yêu cầu khẩn trương kiểm tra, đánh giá để có cơ sở nghiên cứu sửa đổi quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý.
Năm 2021, hoàn thành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia theo quy định của Luật quy hoạch và Luật điện lực, bảo đảm phát triển cân đối nguồn điện giữa các vùng, miền, giữa nguồn và lưới điện.
Quốc hội lưu ý lãnh đạo Bộ Công thương phải khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cạnh tranh; rà soát, tổng kết, đánh giá, hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, sớm ban hành quy định về cách xác định hàng hóa của VN hoặc sản xuất tại VN; giám sát chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, xử lý nghiêm việc lợi dụng, giả mạo xuất xứ VN; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho gian lận thương mại.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc hội lưu ý phải chú trọng phát triển thị trường trong nước, duy trì và phát triển thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm thị trường mới, tiềm năng; tiếp tục đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nhất là gạo, trái cây và một số nông sản chủ lực khác; chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Quochoi.vn
Ban hành quy tắc ứng xử trên không gian mạng
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội yêu cầu khẩn trương ban hành quy định của pháp luật để quản lý hoạt động của tạp chí điện tử; phân định rõ tính chất chuyên ngành, định kỳ của tạp chí; rà soát, chấn chỉnh hoạt động liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan báo chí; trong năm 2020, ban hành hướng dẫn về liên kết trong hoạt động báo chí.
"Thiết lập và phát triển đường dây nóng phản ánh sai phạm trong hoạt động báo chí tại địa phương; có biện pháp bảo vệ và phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật", nghị quyết nêu.
Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông sớm ban hành văn bản quy định về xử lý vấn đề tin giả, về bảo vệ thông tin cá nhân; kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm trên không gian mạng; tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả để xử lý tình trạng "sim rác", "tin nhắn rác", "cuộc gọi rác".
"Khẩn trương ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng truyền thông xã hội trong nước; có chính sách phát triển các doanh nghiệp số VN", Nghị quyết thể hiện.
Đình chỉ công trình vi phạm pháp luật phòng cháy chữ cháy
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, Quốc hội yêu cầu sớm thực hiện việc bố trí, di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hóa chất độc hại, nguy hiểm, có nguy cơ cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư, nơi đông người theo quy định của pháp luật.
Quốc hội lưu ý cơ quan chức năng phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ công trình, dự án đang triển khai có vi phạm pháp luật về phòng cháy cho đến khi khắc phục hoàn toàn các sai phạm, nghị quyết cũng yêu cầu chấm dứt tình trạng cơ sở, công trình xây dựng mới đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật. Công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm về ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao; ngăn chặn xử lý nghiêm tội phạm "tín dụng đen".
Các cơ quan tư pháp phải tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Đồng thời, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%. Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra, kiểm toán phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay và cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết đến Cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền để xem xét việc khởi tố theo quy định của pháp luật.