|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tân Tạo (ITA) gửi đơn kêu cứu vì thông tin thanh tra thuế đột xuất

07:00 | 13/09/2022
Chia sẻ
Trước thông tin trên báo chí xuất hiện nội dung yêu cầu thanh tra thuế đột xuất khiến cổ phiếu ITA bị bán tháo, Tân Tạo đã có đơn kêu cứu gửi lên các lãnh đạo nhà nước.

Ngày 12/9, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) đã có đơn kêu cứu khẩn cấp trình bày về đến những thông tin bất lợi đối với cổ phiếu ITA thời gian vừa qua.

Nội dung văn bản kêu cứu của Tân Tạo nêu: "Ban lãnh đạo công ty nhận được nhiều kiến nghị của cổ đông và cổ đông yêu cầu ban lãnh đạo công ty phải gửi đơn kêu cứu khẩn cấp về "âm mưu và hành động phá hoại, bức tử, thâu tóm Tân Tạo, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, quyền lợi của các nhà đầu tư, các cổ đông và đặc biệt ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và môi trường đầu tư của Việt Nam".

Tân Tạo trình bày, ngày 6/9, trên báo chí xuất hiện nội dung yêu cầu thanh tra thuế đột xuất Tân Tạo, chuyển công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên công ty này cho biết là vẫn chưa nhận định quyết định thanh tra của cơ quan thuế.

Đồng thời công ty cũng khẳng định việc cơ quan thuế thanh tra đột xuất doanh nghiệp là việc bình thường, xử lý kết quả sau thanh tra như thế nào thì phụ thuộc kết quả thanh tra và quy định pháp luật. Tuy nhiên, thông tin bất lợi này cùng với việc dấy lên tin đồn "ITA đang bị đánh" nên cổ đông đã bán tháo dẫn tới cổ phiếu nằm sàn.

Ngoài ra từ tháng 5 tới nay, ITA và công ty thành viên đều bị ngân hàng từ chối cho vay tín dụng dù có đủ phương án vay và tài sản thế chấp. "Phải chăng đang có chiến lược bao vây, bóp ghẹt hoạt động kinh doanh của tập đoàn để từ đó thâu tóm công ty", trích đơn kêu cứu của doanh nghiệp. 

Thực tế trong vòng 4 tháng trở lại đây, Tân Tạo đối mặt nhiều lùm xùm khiến cho giá cổ phiếu ITA rơi từ vùng 18.000 đồng/cổ phiếu xuống 5.600 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 12/9).

Trong vòng khoảng 5 tháng trở lại đây, bắt đầu từ cáo buộc phá sản, cổ phiếu ITA rớt từ vùng 18.000 đồng/cổ phiếu xuống 5.600 đồng/cổ phiếu chốt phiên 12/9. (Nguồn: TradingView).

Đầu tiên là việc liên quan đến cáo buộc phá sản, đến việc hạch toán nhầm gần 1.300 tỷ đồng tạm ứng cho Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến.

Mới đây nhất, Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam từ chối cung cấp dịch vụ cho Tân Tạo. Ngày 30/8, Tân Tạo đã gửi đơn lên Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) để xin gia hạn nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, với lý do thay đổi công ty kiểm toán đột ngột vào cuối tháng 7 trong khi thời hạn nộp báo cáo là ngày 30/8. Công ty TNHH DV Tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam (Công ty kiểm toán AASCS) sẽ là đơn vị mới tiến hành kiểm toán báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của Tân Tạo.

Ngày 7/9, HOSE đã thông báo về khả năng cổ phiếu ITA của Tân Tạo rơi vào diện kiểm soát vì chậm công bố thông tin báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022. Trước đó, cổ phiếu ITA đã bị HOSE đưa vào diện cảnh báo do Tân Tạo vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng một năm và sẽ nâng diện xử lý cổ phiếu ITA sang kiểm soát nếu công ty tiếp tục chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tân Tạo gần 373 tỷ đồng, tăng 15,8%, lợi nhuận sau thuế gần 134 tỷ đồng, tăng 76,3 % so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn thu chính của Tân Tạo đến từ doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp đã phát triển hạ tầng, kinh doanh phân lô bán nền, cung cấp dịch vụ, cho thuê hoạt động, tiền lãi, cổ tức.

Tổng tài sản cuối quý II của Tân Tạo gần 13.246 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm. Khoản tiền và tương đương tiền là hơn 20 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay của doanh nghiệp chỉ có 24 tỷ. Vốn chủ sở hữu đạt 11.162 tỷ đồng tại ngày cuối tháng 6.

Mỹ Linh