Tài xế Grab hy vọng và hoài nghi trước tin ứng dụng gọi xe miễn phí cho đối tác sắp vào Việt Nam
Hồi cuối tuần trước, trong một buổi công bố thông tin tại TP Hồ Chí Minh của MLV, một công ty có trụ sở tại Singapore, người đại diện của công ty MVL sẽ bắt đầu triển khai dịch vụ gọi xe trực tuyến ở Việt Nam vào tháng 7 và đợt tuyển tài xế đầu tiên có thể diễn ra trong tháng 5.
Mô hình kinh doanh của MVL giống Uber và Grab nhưng công nghệ lại khác biệt. Uber, Grab có giải pháp khá truyền thống là tập trung cơ sở dữ liệu vào server để sử dụng riêng. Ngược lại, MVL lưu trữ dữ liệu bằng công nghệ blockchain nên dữ liệu sẽ là tài sản chung của mọi nhà cung cấp. Cơ chế phân chia dữ liệu như thế làm tăng tính minh bạch, đồng thời cho phép mọi người cùng sử dụng để tạo ra lợi ích cho bản thân.
Chúng tôi sẽ mang tới ứng dụng gọi xe dùng công nghệ blockchain đầu tiên tại Việt Nam, và không thu bất kỳ khoản phí nào từ tài xế hay người dùng. Họ chỉ phải trả một khoản phí nhỏ nếu thanh toán trực tuyến vì ứng dụng cần thanh toán phí dịch vụ cho các tổ chức thẻ tín dụng", Kay Woo, giám đốc MVL, phát biểu.
Tin MVL đổ bộ vào Việt Nam trở thành đề tài nóng hổi trên các cộng đồng tài xế công nghệ. Phần lớn tài xế tỏ ra bất ngờ, hào hứng, song cũng hoài nghi.
Sự hoài nghi
Đa số tài xế khẳng định chẳng công ty nào làm không công cho kẻ khác. Vì thế, họ nghi ngờ chính sách miễn chiết khấu của MVL, mặc dù công ty tuyên bố họ sẽ tạo doanh thu bằng cách liên kết với dịch vụ bảo hiểm, các đơn vị kinh doanh xe qua sử dụng, bán quảng cáo và bán dữ liệu cho các đơn vị bảo hiểm, các tổ chức nghiên cứu thị trường.
"Để phát triển một ứng dụng, công ty phải đầu tư rất nhiều tiền. Vì thế, chẳng có lý do gì mà họ không thu phí của tài xế", Triệu Minh Hoàng, người từng hợp tác với Uber, nói.
Rất nhiều người tỏ ra vui mừng khi biết MVL sẽ hoạt động ở Việt Nam trong năm nay. |
Phạm Minh Tiến, một tài xế Grab ở Hà Nội, dự đoán MVL sẽ chỉ miễn chiết khấu trong thời gian đầu, rồi sau đó sẽ nâng tỷ lệ chiết khấu lên mức ngang hoặc hơn Grab.
"Có lẽ tỷ lệ chiết khấu sau này sẽ lên tới 25-30%", Tiến bình luận.
Trần Hữu Tú, một sinh viên, tin rằng MVL nên chiết khấu doanh thu của tài xế khi công ty đã có vị thế trên thị trường.
"Dẫu sao thì có thêm đối thủ cạnh tranh với Grab vẫn hay hơn", Tú nói.
Nhiều người lo ngại nếu MVL không chia doanh thu với tài xế, họ sẽ không có tiền để quảng bá ứng dụng và do đó sẽ ít người biết tới nó.
"Nếu không quảng bá ứng dụng, công chúng sẽ không tải nó về điện thoại. Số người dùng ứng dụng mà quá thấp thì tài xế sẽ khó mà tìm khách, buộc phải dùng ứng dụng của Grab", Mai Tuấn Anh, một tài xế Grab ở TP Hồ Chí Minh, lập luận.
Võ Văn Liêm, một tài xế xe ôm ở TP Hồ Chí Minh, nghi ngờ khả năng thành công của MVL nếu họ không thu phí của tài xế.
"Tôi không cần họ miễn phí, chỉ cần họ chiết khấu doanh thu ở mức thấp", Liêm khẳng định.
Sự hào hứng
"Anh em tài xế hãy chia sẻ mạnh thông tin này. Những ngày, tháng khốn khó của chúng ta sắp qua rồi", Đặng Minh Vấn, một tài xế Grab sống ở Vĩnh Phúc, bình luận.
Nhiều người nói rằng, nếu MVL không chiết khấu doanh thu của tài xế trong vài năm, chắc chắn Grab sẽ mất ngôi vương và thậm chí lâm nguy.
"Có lẽ anh em tài xế nên chuẩn bị cho lễ truy điệu Grab ngay từ bây giờ", Đỗ Văn Hiến, một tài xế xe khách, phát biểu.
Với mọi tài xế, sự xuất hiện của một công ty gọi xe trực tuyến sẽ giúp họ có thêm một lựa chọn. |
Một người sử dụng tài khoản Facebook có tên Hoàng Văn Diện khuyên mọi người không nên hoài nghi việc MVL thu phí của tài xế hay không.
"Chiết khấu doanh thu hay không là việc của họ. Tài xế có thể đăng ký nhiều tài khoản nên cái nào ưu việt thì ta dùng. Thậm chí ta có thể dùng nhiều ứng dụng cơ mà", Diện lập luận.
Bùi Chí Công, một tài xế Grab ở TP Hồ Chí Minh, nhận định sự hiện diện của MVL sẽ khiến Grab bớt khắt khe hơn.
"Càng nhiều công ty tham gia thị trường gọi xe trực tuyến, cánh tài xế càng có nhiều lựa chọn", Công nói.
Lê Huy Trường, một tài xế của Grab, mong MVL hoạt động sớm hơn.
"Vào nhanh lên MVL. Các tài xế của Grab đang vật vã quá trời", Trường viết lời bình luận trên Facebook.
Vũ Văn Tú, một người thường xuyên gọi xe ôm công nghệ, trấn an mọi người rằng MVL sẽ "sống tốt" vì họ có nguồn thu bằng cách khác.
"Xelo và VATO cũng chẳng tính chiết khấu đối với tài xế mà", Tú lấy ví dụ.