|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao Thái Lan không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?

08:21 | 23/10/2024
Chia sẻ
Ở các nước đang phát triển, sự dư thừa bất động sản xa xỉ thường báo hiệu sự phân bổ nguồn lực tài chính không phù hợp.
 

Mặc dù là một trong những nước Đông Nam Á đông dân đầu tiên đạt được vị thế nền kinh tế có thu nhập trung bình vào đầu những năm 1990, Thái Lan đã phải vật lộn để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Thái Lan vào năm ngoái là khoảng 7.000 USD, thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc và nước láng giềng Malaysia.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 bắt nguồn từ Thái Lan đã tàn phá nền kinh tế nước này, gây mất ổn định hệ thống ngân hàng và tài chính, đồng thời kiềm chế triển vọng phát triển của quốc gia Đông Nam Á này.

Phải mất gần một thập kỷ, Thái Lan mới lấy lại được mức GDP bình quân đầu người trước khủng hoảng. Kể từ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ hơn 4%/năm là quá thấp đối với một nền kinh tế thu nhập trung bình.

Tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo Phát triển Thế giới 2024 với tựa đề "Bẫy thu nhập trung bình". Báo cáo nêu bật thách thức cốt lõi đối với các nền kinh tế như Thái Lan: trong khi đầu tư lớn và sự lan tỏa công nghệ có thể đưa một quốc gia từ vị thế thu nhập thấp lên trung bình, thì việc tiến lên vị thế thu nhập cao - với GDP bình quân đầu người ít nhất là 14.000 USD - đòi hỏi phát triển năng lực đổi mới trong nước.

Du khách nước ngoài đến thủ đô Bangkok của Thái Lan thường ngạc nhiên khi biết về tình trạng trì trệ này. Những tòa nhà chọc trời, khách sạn, chung cư và trung tâm mua sắm cao cấp cùng với các lựa chọn ăn uống sang trọng của thành phố đã tạo ra cảm giác về một quốc gia năng động, sáng tạo đang trên đà đạt được vị thế nền kinh tế có thu nhập cao trong vòng một thập kỷ tới hoặc lâu hơn.

Bất động sản dư thừa

Trong thời gian gần đây, Bangkok ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của các khách sạn và trung tâm mua sắm sang trọng so với chỉ 5 năm trước.

Ví dụ, khu phức hợp One Bangkok đồ sộ, được phát triển bởi Tập đoàn TCC Group, có kiến trúc và thẩm mỹ ấn tượng. Nhưng người ta đã đặt câu hỏi về tiện ích phát triển của những dự án lớn như vậy.

Mặc dù chúng làm tăng sức hấp dẫn về mặt thị giác của thành phố đối với cư dân và khách du lịch, nhưng lại không có khả năng đóng góp vào tăng trưởng hoặc đổi mới lâu dài của Thái Lan.

Những dự án này cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về kinh tế và không gian, vì các khu phố cũ hơn, giá cả phải chăng hơn được thay thế bằng các dự án phát triển đắt đỏ.

Ở các nước đang phát triển, sự dư thừa bất động sản xa xỉ thường báo hiệu sự phân bổ nguồn lực tài chính không phù hợp, với dòng vốn chảy vào các hoạt động đầu cơ có thể mang lại lợi nhuận cho tư nhân, nhưng lại mang lại ít lợi ích phát triển chung.

Ngành bất động sản thường không nâng cao năng lực công nghệ của một quốc gia hoặc cải thiện kỹ năng và năng suất của người lao động.

Tệ hơn, các khoản đầu tư lớn vào bất động sản thường đi kèm với nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tăng cao, tạo ra bong bóng tài sản.

Khi những bong bóng này vỡ, chi phí xã hội – bao gồm sự suy giảm của cải, mức tiêu dùng thấp hơn, các khoản cứu trợ do người nộp thuế tài trợ và những thất bại về kinh tế – vượt xa mọi lợi ích ngắn hạn, như đã thấy trong những khó khăn hiện tại của Trung Quốc.

Ngành du lịch cũng đóng góp ít vào sự phát triển công nghệ. Ngành du lịch của Thái Lan có quy mô lớn bất thường, chiếm khoảng 11% GDP. Tuy nhiên, lý do chính khiến Thái Lan tăng trưởng chậm trong những năm gần đây là sự trở lại chậm chạp của khách du lịch Trung Quốc sau đại dịch COVID-19.

Quan trọng hơn, hầu hết các công việc trong ngành du lịch - dù là trong khách sạn và nhà hàng hay văn hóa, nghệ thuật - có xu hướng chậm thích ứng với tự động hóa, hạn chế khả năng tăng năng suất so với các ngành khác.

Du lịch cũng kém mở rộng quy mô hơn vì việc tăng cường sử dụng máy móc để phục vụ nhiều khách hàng hơn thường dẫn đến chất lượng thấp hơn, từ đó làm giảm nhu cầu.

Đường phố Bangkok. (Ảnh: Bloomberg).

 

Mối quan ngại về sản xuất

Sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản làm chuyển hướng vốn và nguồn lực quan trọng - chẳng hạn như đất đai và lao động - khỏi các hoạt động kinh tế hiệu quả hơn.

Trong khi Thái Lan tự hào có một nền sản xuất với quy mô lớn và có tính cạnh tranh, chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế, thì lĩnh vực này vẫn bị chi phối bởi các tập đoàn đa quốc gia.

Các tập đoàn Thái Lan chủ yếu tập trung vào nông nghiệp, tài nguyên và các dịch vụ ít thâm dụng công nghệ, phản ánh một mô hình chung ở các quốc gia bẫy thu nhập trung bình: các công ty địa phương dễ thành công hơn trong các lĩnh vực ít có tính thương mại như dịch vụ, trong khi sản xuất phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu.

Mặc dù thu hút đầu tư đa quốc gia vào các lĩnh vực như ô tô và điện tử là có lợi, nhưng việc quá phụ thuộc vào các công ty nước ngoài đã cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

Nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ mà Hàn Quốc và Trung Quốc dành cho các ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu của họ, các nhà sản xuất Thái Lan sẽ phải vật lộn để đảm bảo nguồn tài chính phù hợp cho việc mở rộng, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển.

Các công ty đa quốc gia cũng thường ít đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ở các quốc gia đang phát triển do thiếu kỹ năng công nghệ cao và khả năng khoa học.

Điều này tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan khó giải quyết: các công ty đa quốc gia thiếu động lực để tham gia vào sản xuất tiên tiến khi không có công nhân lành nghề, trong khi công nhân có ít động lực để cải thiện kỹ năng cần thiết, do có rất ít công việc hiện tại đòi hỏi họ làm như vậy.

Rào cản chính trị

Những thách thức về sự phối hợp như vậy thường đòi hỏi sự can thiệp của chính phủ, dưới hình thức trợ cấp cho nghiên cứu và phát triển hoặc các ưu đãi cho sinh viên theo đuổi các chương trình đào tạo về khoa học và công nghệ. Nhưng một rào cản thứ ba kìm hãm các quốc gia bẫy thu nhập trung bình như Thái Lan là yếu tố chính trị.

Không giống như các nền kinh tế châu Á đã công nghiệp hóa thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và gần đây hơn là Trung Quốc, Thái Lan thiếu sự đồng thuận chính trị mạnh mẽ trong việc tái cấu trúc kinh tế và nâng cấp công nghệ.                                                                               


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Huy Tiến