|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tại sao nhiều công ty phương Tây vẫn đang chọn ở lại kinh doanh tại Nga?

20:19 | 02/08/2023
Chia sẻ
Nguy cơ ngày càng tăng với các công ty phương Tây đang kinh doanh tại Nga (từ cả lệnh trừng phạt và bị quốc hữu hóa). Nhưng tại sao vẫn có rất nhiều công ty chọn ở lại?

Theo nhận định của CNN Busines (Mỹ) mới đây, khi xung đột ở Ukraine nổ ra, một loạt công ty phương Tây đã rút khỏi Nga vì nhiều lý do, nhưng một số công ty lớn nhất thế giới – chẳng hạn như Nestlé, Heineken và nhà sản xuất đồ ăn nhẹ Mondelez - vẫn ở lại.

Hơn một năm sau cuộc xung đột, các công ty chọn ở lại Nga đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: Việc rời đi trở nên tốn kém và phức tạp hơn, trong khi việc ở lại ngày càng rủi ro hơn.

Các công ty giờ đây thấy mình bị mắc kẹt giữa: Một bên là các biện pháp trừng phạt của phương Tây và bên kia là những lo ngại bị quốc hữu hóa từ Chính phủ Nga. Điện Kremlin đang thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế các công ty phương Tây bán tài sản ở Nga của họ, áp đặt các khoản chiết khấu cao và thuế trừng phạt khi họ làm vậy.

Kinh nghiệm của nhà sản xuất sữa chua Pháp Danone và nhà sản xuất bia Đan Mạch Carlsberg là một ví dụ về nguy cơ đó đối với những công ty nước ngoài khác đang muốn rút khỏi Nga. Cả hai công ty trên đã hoàn tất việc bán cho người mua địa phương khi Tổng thống Vladimir Putin ký lệnh quốc hữu hóa tài sản địa phương của họ vào đầu tháng này.

Carlsberg cho biết diễn biến này có nghĩa là triển vọng bán Nhà máy bia Baltika của họ - một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất của Nga - hiện "rất không chắc chắn". Maria Shagina, một chuyên gia về lệnh trừng phạt tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói với CNN: “Cánh cửa cơ hội để các công ty phương Tây rời khỏi Nga gần như đã đóng lại. Họ đang bị mắc kẹt giữa áp lực và khó khăn”.

Những lựa chọn khó khăn

Rõ ràng rủi ro đang gia tăng đối với các công ty phương Tây ở Nga. Nhưng tại sao rất nhiều công ty vẫn chọn ở lại?

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale, hơn 1.000 công ty nước ngoài đã rút khỏi hoặc ngừng hoạt động tại Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. Được thúc đẩy bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, các công ty dầu mỏ, nhà sản xuất ô tô, công ty công nghệ, tư vấn và ngân hàng đã dẫn đầu làn sóng di dời ban đầu. McDonald's (MCD) đã bán hơn 800 nhà hàng địa phương, thu về hơn 1 tỷ USD trong quá trình này.

Trong khi đó, BP đã phải trả khoản phí 24,4 tỷ USD cho việc từ bỏ 19,75% cổ phần của mình tại Rosneft, công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga. Động thái này cũng làm giảm trữ lượng dầu và khí đốt của gã khổng lồ năng lượng Anh.

Nhưng ngay cả sau cuộc di dời hàng loạt của các tập đoàn lớn, các nhà nghiên cứu của Yale ước tính rằng hơn 200 công ty từ khắp nơi trên thế giới vẫn tiếp tục kinh doanh như bình thường ở Nga. Thêm vào trong số đó là gần 180 công ty đang “câu giờ”, nghĩa là họ đã tạm dừng các khoản đầu tư mới và thu hẹp quy mô hoạt động nhưng vẫn có sự hiện diện ở nước này.

Unilever, Nestlé, Mondelēz và Procter & Gamble - những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới - thuộc nhóm này.

Mặc dù lý do chính xác mà mỗi công ty đưa ra để ở lại là khác nhau, nhưng các chủ đề chung bao gồm mối quan tâm đến phúc lợi của nhân viên và gia đình họ ở Nga, cũng như nghĩa vụ đối với các đối tác địa phương, bao gồm cả nông dân. Các công ty cũng nói rằng họ đang cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho dân thường và một số người cho rằng việc từ bỏ tài sản ở Nga của họ sẽ "chỉ làm tăng nguồn thu ngân sách của Điện Kremlin".

 

Ngoài ra, việc bán tháo tài sản thậm chí đi kèm với những tổn thất nặng nề. Các công ty muốn bán tài sản của họ phải bán với giá chiết khấu 50% so với giá trị thị trường và trả cho Điện Kremlin một khoản phí khá lớn. Các công ty Mỹ sẽ cần sự cho phép của Bộ Tài chính Mỹ để trả một khoản phí như vậy, theo hướng dẫn do Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài ban hành vào tháng 3.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với gần 2.000 cá nhân và tổ chức càng làm phức tạp thêm tình hình, khiến việc tìm người mua hợp pháp trở nên khó khăn hơn.

Một công ty đã tìm được người mua tiềm năng cho hoạt động kinh doanh ở Nga là Heineken. Nhà sản xuất bia Hà Lan này nói với CNN tuần trước rằng họ đang đợi chính quyền địa phương phê duyệt việc bán tài sản, nhưng dự báo sẽ phải chịu một "tổn thất tài chính đáng kể" từ thỏa thuận này.

Trong khi đó, Unilever khẳng định rằng việc bán tài sản không phải là một lựa chọn. Giám đốc điều hành Unilever Hein Schumacher nói với các nhà báo: “Chúng tôi không có ý định đóng góp thêm cho ngân sách của nhà nước Nga".

Với mục tiêu đó, công ty – vốn đã nộp 3,8 tỷ rúp (42,2 triệu USD) tiền thuế cho Chính phủ Nga vào năm 2022 – đã không thể tìm ra “giải pháp khả thi” liên quan đến việc bán các tài sản và hoạt động của mình ở nước này, ông Schumacher lưu ý.

Ông Schumacher cho biết việc từ bỏ hoạt động kinh doanh tại Nga, nơi có tài sản trị giá 800 triệu euro (884 triệu USD), bao gồm 4 nhà máy, sẽ chỉ làm tăng nguy cơ quốc hữu hóa, khiến Unilever không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục hoạt động. “Không có lựa chọn nào thực sự tốt nhưng… vận hành theo cách hạn chế là ít tồi tệ nhất”, ông Schumacher nêu rõ.

Về phần mình, người phát ngôn của Nestlé, công ty có 6 nhà máy và khoảng 7.000 nhân viên ở Nga, nói với CNN rằng họ đã “giảm đáng kể” số lượng sản phẩm ở nước này để chỉ cung cấp “thực phẩm thiết yếu và cơ bản cho người dân địa phương”.

Công ty Procter & Gamble đã không trả lời yêu cầu bình luận, nhưng trước đó cho biết họ sẽ “tập trung vào các mặt hàng chăm sóc sức khỏe, vật dụng vệ sinh và cá nhân cơ bản cần thiết cho nhiều gia đình Nga, những người phụ thuộc vào chúng trong cuộc sống hàng ngày”.

Công Thuận