|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tại sao giá xe sản xuất ở Việt Nam cao hơn các nước?

07:13 | 29/11/2019
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị miễn, giảm các loại thuế để hạ giá ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước.

Tại diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VN) diễn ra ngày 28-11 ở Hà Nội, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhận định hiện ngành công nghiệp ô tô VN chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị. 

Ngành này cũng chưa chủ động sản xuất được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động… dẫn đến giá bán xe ô tô vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

“Thực tế hiện nay việc sản xuất những loại chi tiết, linh kiện có giá trị gia tăng cao phần lớn do các doanh nghiệp ở các nước phát triển nắm giữ” - ông Phạm Tuấn Anh nói.

Đại diện Công ty TNHH Toyota VN cũng cho rằng ngành công nghiệp ô tô trong nước có quy mô thị trường nhỏ bé, sản lượng thấp. Cùng với đó là kinh nghiệm quản lý sản xuất của các nhà cung ứng trong nước và công nghiệp vật liệu chất lượng cao chưa có, phải nhập khẩu nguyên liệu nên chi phí sản xuất của các nhà cung ứng linh kiện tại VN cao hơn 2-3 lần so với các nước như Thái Lan, Indonesia.

“Nếu nội địa hóa linh kiện tại VN, nhà sản xuất phải so sánh chi phí sản xuất linh kiện đó tại VN với chi phí nhập khẩu linh kiện này về VN. Nếu thấp hơn họ sẽ chọn linh kiện trong nước nhưng cao hơn phải nhập khẩu. Bởi nếu dùng linh kiện trong nước sẽ làm tăng giá thành của ô tô, dẫn đến khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu” - đại diện Toyota nói.

Tại sao giá xe sản xuất ở Việt Nam cao hơn các nước? - Ảnh 1.

Các nhà sản suất tin rằng nếu có những chính sách ưu đãi về thuế, giá xe trong nước sẽ giảm và cạnh tranh được với xe nhập khẩu. Ảnh: V.LONG

Để ô tô sản xuất trong nước có chất lượng tốt và giá rẻ hơn ô tô nhập khẩu, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công kiến nghị không tính thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện phụ để sản xuất linh kiện. 

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị nội địa hóa ô tô để hưởng ưu đãi theo hàm lượng giá trị tạo ra trong nước và giá trị linh kiện nội địa hóa.

“Mục đích chính của chính sách này là giúp tạo động lực cho các nhà sản xuất ô tô trong nước tập trung nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và đầu tư vào nghiên cứu sản xuất sản phẩm cơ khí ô tô thay vì chỉ sản xuất với sản lượng lớn. 

Theo đó, trong tương lai dài có thể tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu VN với tỉ lệ nội địa hóa cao phục vụ cho mục đích xuất khẩu” - doanh nghiệp này đề xuất.

Đồng tình, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco Trường Hải, cho rằng có một nghịch lý là xe nguyên chiếc trong khối ASEAN nhập về VN được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% nhưng thuế nhập khẩu linh kiện vẫn chưa về 0% nên chưa khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về lắp ráp.

Bên cạnh đó, nguyên vật liệu nhập khẩu để doanh nghiệp tăng nội địa hóa như linh kiện thép lò xo, thép chuyên dụng cho ô tô cũng bị đánh thuế. 

Chính điều này làm cho giá thành sản xuất xe trong nước bị đội lên, khó có thể cạnh tranh được với xe sản xuất trong khu vực.

Vì vậy, ông Tài cho rằng Nhà nước cần có hàng rào kỹ thuật nhất định thay vì thả nổi như hiện nay. Ví dụ, muốn được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, xe nhập khẩu phải đạt tối thiểu 40% nội địa hóa nội khối. 

“Đặc biệt, cần xem xét lại thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào phần giá trị sản xuất trong nước, mục đích giảm giá thành ô tô sản xuất trong nước” - ông Tài nêu quan điểm.

Nên xem xét giảm phí cho người tiêu dùng

Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ VN do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức. Tại đây có đại biểu đề nghị nên có chính sách hợp lý với người tiêu dùng mua ô tô nội. 

Bởi nếu xác định người VN ưu tiên dùng hàng VN thì phải xem xét lại chính sách lệ phí trước bạ vì có địa phương áp mức thu cao tới 12%.

 

Viết Long

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.