|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tại sao công ty con PVS đưa cổ phiếu lên UPCoM với giá 'trà đá'?

08:00 | 30/09/2019
Chia sẻ
CTCP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi PTSC chính thức đưa 30 triệu cổ phiểu PQN giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu 4.000 đồng/cp.

PVS sở hữu gần 95,2% vốn điều lệ

Ngày 4/10 tới đây, CTCP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi PTSC chính thức đưa 30 triệu cổ phiểu giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán PQN. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 4.000 đồng/cp.

Được biết, hoạt động kinh doanh chính của công ty là nhà thầu trong lĩnh vực cơ khí dầu khí và là nhà cung cấp dịch vụ khai thác cảng biển trong khu kinh tế Dung Quất.

Về lịch sử hình thành, tiền thân công ty là chi nhánh Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tại Quảng Ngãi được thành lập năm 1997, thời điểm Dung Quất - Quảng Ngãi được chọn là nơi xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam.

Năm 2007, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi được thành lập. Tháng 12/2010, công ty chuyển đổi thành CTCP với số vốn điều lệ 300 tỉ đồng. Kể từ khi chuyển đổi thành CTCP, PTSC Quảng Ngãi chưa thực hiện tăng vốn thêm lần nào.

cđ

Nguồn: Bản TTTT của PTSC Quảng Ngãi

Về cơ cấu cổ đông tính đến ngày 16/4, công ty có duy nhất cổ đông lớn là Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã: PVS), sở hữu 95,2% vốn điều lệ.

Cơ cấu doanh thu của công ty ra sao?

cơ cấu dt

Nguồn: Bản TTTT của PTSC Quảng Ngãi

Dựa trên hoạt động kinh doanh lõi, cơ cấu doanh thu tuần của PTSC Quảng Ngãi đến từ hợp đồng xây dựng và hợp đồng dịch vụ cảng. Từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019, tỉ trọng doanh thu thuần có sự dịch chuyển.

Công ty thu về nhiều hơn từ hợp động dịch vụ (từ tỉ trọng 45,81% năm 2017 đến tỉ trọng 62,55% 6 tháng năm 2019) và giảm tỉ trọng nguồn thu từ hợp đồng xây dựng (từ 54,19% năm 2017 còn 37,45% 6 tháng 2019).

Trong năm 2019, công ty có kí kết một số hợp đồng dịch vụ lớn với chủ đầu tư là Công ty Lọc hóa Dầu Bình Sơn trị giá 12,3 tỉ đồng và GE Power Systems Vietnam trị giá 15,8 tỉ đồng.

Vốn điều lệ 300 tỉ đồng, công ty đang lỗ lũy kế gần 250 tỉ đồng

Năm 2018, hoạt động sản xuất kinh doanh của PTSC Quảng Ngãi bị ảnh hưởng do hệ lụy từ việc giá dầu sụt giảm và liên tục duy trì ở mức thấp trong những năm qua. Kết quả là, doanh thu công ty giảm 12,46% so với 2017, đạt 613,6 tỉ đồng và LNST ghi nhận mức giảm mạnh 49,56% còn 16,2 tỉ đồng.

Cập nhật kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019, công ty ghi nhận tổng doanh thu 292 tỉ đồng, tăng 9,17% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, LNST sụt giảm 18,8% còn 6,1 tỉ đồng.

Trong năm nay, PTSC Quảng Ngãi đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận lần lượt là  600 tỉ đồng và 14,4 tỉ đồng. Như vậy, tỉ lệ thực hiện những chỉ tiêu đề ra của công ty tương ứng 48,7% cho doanh thu và 42,59% cho lợi nhuận. 

Tính đến 30/6, tổng tài sản của công ty đạt 764 tỉ đồng, giảm nhẹ 9 tỉ đồng so với đầu kì. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 120,7 tỉ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn là 190,5 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trên báo cáo tài chính của công ty, khoản lỗ lũy kế tính đến 30/6 gần 250 tỉ đồng. 

Triển vọng nào cho công ty trong năm 2019?

Đánh giá thị trường năm 2019, công ty dự kiến nhu cầu BDSC của Lọc hóa Dầu Bình Sơn tiếp tục duy trì và sẽ tăng lên vì Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành BDSC tổng thể lần một. 

Mặt khác, Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Dự án Lọc hóa dầu Long Sơn, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh cũng đang được Chính phủ và các nhà đầu tư quan tâm, dự báo phát triển hơn so với năm 2017.

d

Nguồn: Bản TTTT của PTSC Quảng Ngãi

Trước đó, năm 2018, PTSC Quảng Ngãi có tới ba hợp đồng liên quan tới thi công ống ngầm với CTCP Thép Hòa Phát với tổng giá trị gần 50 tỉ đồng và hợp đồng gia cấu thép với Dongyang P&F trị giá 34,5 tỉ đồng.

Định hướng phát triển giai đoạn 2018 – 2022, công ty tập trung khai thác 100% công suất Cảng Dung Quất, duy trì và phát triển dịch vụ logistics; đẩy mạnh phát triển đội tàu dịch vụ dầu khí nhằm duy trì chiếm giữ 80% thị trường khu kinh tế Dung Quất; phấn đấu tăng trưởng, chiếm lĩnh thị phần dịch vụ O&M cho các công trình dầu khí.


Ánh Hường