|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tái diễn doanh nghiệp FDI bỏ trốn

16:38 | 03/11/2018
Chia sẻ
Nhiều chủ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “cao chạy xa bay” để lại khoản nợ lớn cho các ngân hàng và DN trong nước.
tai dien doanh nghiep fdi bo tron
Cổng chính vào nhà máy Công ty Quatron đóng kín, chủ doanh nghiệp đã biến mất - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Việc này đã từng xảy ra các năm trước, đã có biện pháp chấn chỉnh nhưng cứ tái diễn, khiến người lao động nhiều nơi "lãnh đủ".

Báo lỗ và... ra đi

Những ngày này, đến nhà máy của Công ty TNHH Metacor VN (đóng tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), dù nhà máy đồ sộ nhưng cổng và nhà xưởng đóng cửa im lìm. Đây là điển hình của việc chủ DN FDI xuất cảnh trước khi nhà máy dừng hoạt động.

Với ngành nghề sản xuất các sản phẩm sau thép, theo báo cáo tài chính, năm 2016 DN này lỗ 82 tỉ đồng, năm 2017 lãi hơn 3,5 tỉ đồng. Nhưng đến giữa năm 2018, DN này gặp khó khăn.

Đến nay, Công ty Metacor nợ BHXH, nợ thuế TNCN, nợ ngân hàng và một số DN VN với số tiền gần 150 tỉ đồng...

Ba lần trong tháng 6-2018, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu gửi giấy mời ông Denis Piche (quốc tịch Canada), tổng giám đốc, đến làm việc nhưng đều không có người nhận, liên lạc qua email cũng không có kết quả.

Thực tế, ông Denis Piche đã rời khỏi VN qua cửa khẩu đường bộ Mộc Bài, Tây Ninh vào đầu tháng 6-2018.

Một vụ việc tương tự là Công ty cổ phần thép Quatron (Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1- Conac, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Công ty này do những người Jordan, Hi Lạp, Canada thành lập. Đến giữa năm 2014 DN này đã thua lỗ dẫn đến nợ lương công nhân, nợ BHXH.

Đáng chú ý, quá trình "chuẩn bị" thua lỗ, đại diện theo pháp luật của công ty này không có mặt ở VN mà ủy quyền không đúng tư cách cho một người khác giải quyết.

Tất cả các phiên tòa đòi nợ đều vắng mặt người đại diện theo pháp luật của Quatron. Các bản án đều tuyên buộc Quatron phải trả nợ cho các DN VN. Nhưng đến nay ngân hàng và các DN VN chưa thể đòi được nợ vì chưa kê biên được tài sản.

Theo tìm hiểu, sau khi ra đi, số tiền nợ của Công ty Quatron để lại lên đến hơn 100 tỉ đồng, trong đó nợ của hơn 30 DN VN số tiền gần 20 tỉ đồng, nợ lương công nhân gần 3 tỉ đồng, nợ BHXH gần 10 tỉ đồng và nợ một ngân hàng 3 triệu USD.

Chỉ riêng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến giữa năm 2018 có hơn 100 DN FDI nợ các khoản thuế với số tiền lên tới hơn 110 tỉ đồng.

Trong đó có gần 20 DN FDI không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký với số tiền nợ thuế hơn 30 tỉ đồng, 3 DN đã ngừng hoạt động với số tiền nợ thuế gần 60 tỉ đồng.

Vẽ dự án rồi mất tích

Tháng 3-2018, Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình đã có văn bản thông báo tìm kiếm BTG Holding (Solovakia), chủ đầu tư hai dự án FDI nhà máy bia Tiệp (86 triệu euro) và Khu công nghiệp Lạc Thịnh (45 triệu euro).

Ban Quản lý khu công nghiệp Hòa Bình cho biết dự án nhà máy bia Tiệp đã tạm ngừng hoạt động vào tháng 10-2017, đến nay chủ đầu tư đi đâu không rõ tung tích.

Theo kế hoạch, sau khi xây dựng nhà máy bia Tiệp, BTG Holding sẽ đầu tư thêm hai dự án FDI khác là nhà máy nhiệt điện 100 triệu euro và nhà máy sản xuất linh kiện ôtô 200 triệu euro ngay trong Khu công nghiệp Lạc Thịnh...

Trong nửa đầu năm nay, một số địa phương phía Bắc cũng buộc phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án FDI khi dự án chết yểu, tỉnh không thể liên lạc với nhà đầu tư sau khi cấp phép.

Cụ thể, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam phải thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,6 triệu USD, trong đó có 2 dự án do nhà đầu tư dừng hoạt động và 1 dự án hết thời hạn cấp phép chưa triển khai.

Còn nhiều sơ hở

Ông Nguyễn Minh Cường, phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết một số DN đã lợi dụng chính sách thông thoáng, làm việc qua mạng để dễ bề bỏ trốn và cơ quan quản lý cũng khó quản lý được.

Một lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, theo quy định chủ DN nước ngoài không được vắng mặt tại VN quá 30 ngày nhưng thực tế việc này chỉ có cơ quan xuất nhập cảnh nắm được.

Vị này cũng nói rằng việc quản lý DN FDI và chủ DN FDI hiện nay còn nhiều sơ hở, chưa chặt chẽ. Nên khi chủ DN FDI bỏ trốn, việc giải quyết hậu quả rất nan giải.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang, trưởng phòng quản lý DN Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết có DN sau khi hết thời gian ưu đãi đã báo lỗ, có DN thậm chí còn được chuyển lỗ sang năm sau. Đó là những kẽ hở để DN FDI lợi dụng.

GS.TSKH Nguyễn Mại (chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài):

Do buông lỏng giám sát

tai dien doanh nghiep fdi bo tron
Cỏ hoang mọc um tùm bên trong một nhà máy chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn - Ảnh: Đ.Thìn

Việc quản lý DN FDI đã khá hơn, nhưng cho đến hiện giờ vẫn còn sự buông lỏng. Hầu hết các dự án FDI nằm trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế và mỗi KCN đều có một ban quản lý dự án riêng.

Diện tích trung bình của một KCN chỉ khoảng 100-150ha, vậy tại sao DN FDI có thể bỏ trốn mà các ban quản lý KCN không hay biết?

Có thể thấy nguyên nhân đầu tiên của tình trạng DN FDI bỏ trốn là do các ban quản lý KCN buông lỏng giám sát hoạt động DN.

Việc xử lý DN FDI bỏ trốn rất chậm chạp, hiện có hàng trăm dự án FDI nằm chết mà chưa xử lý được.

Trước khi bỏ trốn bao giờ DN cũng có những động thái cần thiết liên quan đến vốn đầu tư, làm thủ tục visa, chuyển tiền nhưng mình không quản lý được là thiếu sót.

Để tránh nguy cơ DN FDI bỏ trốn, cần thống kê, xử lý 2 loại DN FDI, thứ nhất là được cấp chứng nhận đầu tư rồi nhưng để lâu không triển khai, lãng phí đất đai.

Thứ hai là những DN nợ lương, bảo hiểm, nợ thuế cần công bố công khai để giải quyết kịp thời, không nên để tồn đọng như hiện nay.

Gần đây, xu hướng một năm không thanh tra quá một lần với DN nên cần sự phát hiện, thông tin của các tổ chức xã hội, đoàn thể như công đoàn.

Phải ứng tiền ngân sách hỗ trợ

Hồi tháng 8-2018, hàng trăm công nhân Công ty TNHH MTV TBO Vina 100% vốn Hàn Quốc nằm trong Khu công nghiệp Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) sau khi được nghỉ việc một tuần vì hết đơn hàng, đến ngày quay lại thì công ty cửa đóng then cài, chủ DN người nước ngoài đã rời khỏi VN.

Công nhân tập trung tại công ty để đòi lời giải thích nhưng bất thành. Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp liên ngành thì biết người điều hành trực tiếp sản xuất công ty là người Hàn Quốc "về nước... chữa bệnh".

Ông Nguyễn Văn An, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo TP phải quyết định ứng gần 500 triệu đồng để hỗ trợ đóng BHXH cho hơn 90 chị em thai sản, đóng bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 400 công nhân.

Hiện chủ TBO Vina để lại khoản nợ BHXH, BHYT khoảng 12 tỉ đồng, nợ lương khoảng 3,7 tỉ đồng.

TS Phan Hữu Thắng (nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT):

Nên đánh giá 3 tháng/lần

Để DN FDI bỏ trốn, các cơ quan địa phương như ban quản lý các khu công nghiệp, sở KH-ĐT, cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm đã không theo sát hoạt động kinh doanh đầu tư của DN. Về dài hạn, giải pháp là thu hút FDI cần có chọn lọc, có phân loại, xem xét đến lịch sử nhà đầu tư.

Các địa phương cần có giao ban đánh giá riêng về hoạt động đầu tư nước ngoài để giám sát chặt các DN FDI trên địa bàn.

Việc kiểm soát, đánh giá hoạt động đầu tư các DN FDI cần tiến hành ba tháng một lần để kịp thời kiểm soát những DN có nguy cơ bỏ trốn. Việc giám sát định kỳ này khá đơn giản, vấn đề là địa phương nào tổ chức thực hiện thôi.

Xem thêm

Đông Hà - Bảo Ngọc - V.Hùng

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.