|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tác nhân khiến chứng khoán giảm gần 20 điểm và chiến lược hành động cho nhà đầu tư

19:00 | 17/10/2023
Chia sẻ
Nhịp giảm gần 20 điểm trong phiên hôm nay khiến VN-Index rơi về mốc 1.121,65 điểm, tương đương vùng đáy cũ. Đồng thời, chỉ số cũng thất bại trong việc vượt lên MA20. Trước diễn biến này, công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư giao dịch thận trọng, hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Những tác nhân khiến VN-Index giảm gần 20 điểm

Thị trường tiếp tục kịch bản phiên đầu tuần khi tăng vào đầu phiên nhưng không giữ được độ cao và các chỉ số quay đầu giảm. Lực bán đẩy mạnh trong phiên ATC khiến các chỉ số rơi sâu. Nhịp giảm gần 20 điểm trong phiên hôm nay khiến VN-Index rơi về mốc 1.121,65 điểm, tương đương vùng đáy cũ.

Cùng với phiên điều chỉnh hôm qua, chỉ số chính sàn HOSE đã để mất gần 29 điểm chỉ trong hai phiên giao dịch, đánh mất toàn bộ thành quả trong tuần hồi phục trước đó (9 - 13/10).

Thống kê cho thấy GVR giảm mạnh nhất rổ VN30 trong phiên hôm nay với tỷ lệ 5,8% xuống 20.200 đồng/cp, bị cho là tội đồ khiến VN-Index mất gần 1,2 điểm. Trong phiên có thời điểm GVR này tăng hơn 2% lên 21.900 đồng/cp, tuy nhiên cú đạp mạnh phiên ATC khiến mã này đóng cửa thấp nhất phiên.

Bên cạnh đó, loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đóng cửa giảm chóng mặt có thể kể tới là MWG mất 4,7% thị giá, FPT giảm 3,8%, bộ đôi VHM và VIC giảm hơn 2%, ... Top10 cổ phiếu gây áp lực lên thị trường lấy đi hơn 8 điểm của VN-Index. Trong khi đó, nỗ lực nâng đỡ của VPB, VRE, HDB, ... không đáng kể.

Quan sát từ độ rộng thị trường, có thể thấy tín hiệu tháo chạy của dòng tiền khá rõ nét. Cuối phiên sáng, phe mua chiếm ưu thế trên HOSE với 255 mã tăng và 157 mã giảm. Tuy nhiên chỉ trong khoảng 30 phút cuối phiên chiều hàng trăm cổ phiếu chuyển sắc nhanh chóng với 378 mã giảm (28 mã giảm kịch sàn), áp đảo so với 107 mã tăng.

Đà bán lan rộng ở nhiều nhóm ngành khiến nhiều cổ phiếu giảm sàn như thủy sản (ANV, IDI), hóa chất (CSV, DGC), chứng khoán (AGR, CTS, FTS, HCM, VCI, VIG), xây dựng (VCG, FCN), bất động sản (DIG, CII, VPH), ...

Quay lại diễn biến tuần trước đó, VN-Index hồi phục hơn 26 điểm, ngắt mạch giảm 4 tuần liên tiếp nhưng thanh khoản duy trì ở mức thấp cho thấy dòng tiền vẫn đang thận trọng.

Về mặt kỹ thuật, tỷ lệ cổ phiếu thủng MA20 và MA50 lần lượt ở mức 60% và 70%, trong khi tỷ lệ cổ phiếu có giá thấp hơn MA100 ở mức 51%, thể hiện tâm lý chung vẫn đang khá lưỡng lự. Do đó, nhịp hồi phục vừa qua chưa thể phủ định hoàn toàn xu hướng giảm 4 tuần trước đó. Điều này dẫn tới việc VN-Index nhanh chóng suy yếu trong hai phiên đầu tuần khi áp lực bán tăng mạnh và dòng tiền bắt đáy chưa sẵn sàng nhập cuộc.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Nhà đầu tư cần làm gì sau phiên giảm mạnh?

Theo góc nhìn của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có thể tiếp tục đà giảm và VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại vùng đáy cũ gần mức hỗ trợ 1.110 điểm trong phiên kế tiếp.

Đồng thời, lực cầu bắt đáy được kỳ vọng có thể gia tăng trong phiên kế tiếp khi VN-Index giảm về gần mức hỗ trợ 1.110 điểm, đặc biệt các chỉ báo kỹ thuật giảm mạnh về gần vùng quá bán cho nên lực cầu giá thấp được kỳ vọng có thể gia tăng trong phiên tới và mức hỗ trợ 1.110 điểm của VN-Index có thể sẽ chưa thể bị phá vỡ. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm cho thấy các nhà đầu tư đang bi quan trở lại.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư được khuyến nghị có thể hạn chế bán tháo và mua vào tại nhịp giảm mạnh khi VN-Index giảm về gần vùng 1.110 điểm. Ngoài ra, nhóm phân tích lưu ý các vị thế mua mới chỉ nên dành tỷ trọng thấp và chỉ tăng tỷ trọng cổ phiếu khi xu hướng ngắn hạn của thị trường xác nhận tăng.

Còn theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index kết phiên hình thành nến đỏ giảm điểm, lấy đi hết nỗ lực phục hồi của toàn bộ tuần trước và quay trở lại vùng đáy cũ gần nhất ở 1.120 điểm. Đồng thời, chỉ số cũng thất bại trong việc vượt lên MA20. Mặc dù vậy, khối lượng cũng chưa cho thấy sự thay đổi đột biến, trong khi các chỉ báo RSI và MACD đều chưa cho tín hiệu đảo chiều xu hướng.

Như vậy, xác suất thanh khoản bán chủ động gia tăng mạnh trong những phiên tới và thúc đẩy chỉ số tiếp tục xu hướng đi xuống cần được tính đến. Các ngưỡng hỗ trợ gần nhất hiện là vùng 1.100 và 1.050 điểm. 

Nhà đầu tư có thể chủ động thu gọn danh mục và cơ cấu lại theo hướng thay thế những cổ phiếu đã quay lại xu hướng giảm trong phiên hôm nay hoặc vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm bằng những mã thuộc các nhóm ngành vẫn đang nằm trong nền giá tích lũy và có yếu tố cơ bản như ngân hàng, điện, hàng tiêu dùng, đồng thời chỉ nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu từ 20 – 30%.

Thu Thảo