|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tắc nghẽn vùng biên Trung Quốc, cơn ác mộng giá thanh long rớt thảm có lặp lại?

19:06 | 20/12/2021
Chia sẻ
Hiện hàng nghìn tấn thanh long đang mắc kẹt tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc. Điều này rấy lên lo ngại giá thanh long có thể rớt thảm nếu không được thông quan sớm.

Số hàng thanh long tắc nghẽn ở cửa khẩu đang gặp rủi ro lớn

Thời gian gần đây, việc Trung Quốc siết chặt kiểm quản lý đối với hoạt động qua lại biên giới nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh khiến hoạt động xuất nông sản nói chung và mặt hàng thanh long nói riêng bị tắc nghẽn.

Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết điệp khúc thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc ở vùng biên năm nào cũng diễn ra nhưng năm nay nghiêm trọng hơn bởi ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu “Zero COVID” (tức không để xảy ra trường hợp nhiễm COVID-19 nào) do đó, giới chức các tỉnh, đặc biệt vùng biên kiểm soát chặt chẽ việc đi lại.

“Nếu địa phương nào để bùng phát dịch COVID-19, lãnh đạo tại địa phương đó sẽ bị truy tố, thậm chí mất chức. Do đó, các tỉnh làm chặt hoạt động kiểm soát vùng biên để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch”, ông Nguyên cho biết. 

Rủi ro lớn nhất hiện nay là số hàng đang bị tắc nghẽn ở khu vực cửa khẩu bởi nếu không xuất đi được, doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt hại lớn vì quả hỏng hoặc bán tháo.

“Nếu hàng không xuất đi được, rủi ro phải quay về bán tháo với giá rẻ, thậm chí cho bò ăn là rất cao”, ông Nguyên nói.

Theo một số doanh nghiệp, khoảng 20 ngày trở lại đây, giá thanh long đang dao động khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Tắc nghẽn vùng biên Trung Quốc, cơn ác mộng giá thanh long rớt thảm có lặp lại? - Ảnh 1.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau Củ Quả Việt Nam. Ảnh: H.Mĩ

Chia sẻ với Báo Thanh Niên đại diện Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết hiện có khoảng 500 xe container thanh long (tương đương khoảng 8.000 tấn) đang đang gặp khó trong việc thông quan tại các cửa khẩu biên giới giáp với Trung Quốc, có nguy cơ hư hỏng.

Ông Huỳnh Cảnh, chủ doanh nghiệp doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thanh long kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận nói: “Phía Bằng Tường cho biết dịp Tết Dương lịch này họ nghỉ 14 ngày. Như vậy khả năng thông quan sớm hàng hóa nói chung và trái thanh long nói riêng rất khó. Điều đó dẫn đến trái cây hư hỏng do để nằm quá dài ngày ở đây”

Theo ông Cảnh, phải mất tới một tháng nữa mới có thể làm xong thủ tục lượng xe container đang tồn ở biên giới.

Tuy nhiên, ở góc độ nhà vườn, mặc dù tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp khó khăn, ông Nguyên cho rằng không quá lo quá lo ngại rủi ro giá thanh long tại vườn rớt thảm bởi hàng chín đã thu mua xong để xuất khẩu.

Lượng hàng còn lại trên cây chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, tiêu thụ mạnh cả trong nước lẫn xuất khẩu. Ngoài ra, hiện đang là thời điểm của thanh long trái vụ, phía Trung Quốc không có hàng. Trong khi đó, nhu cầu dùng thanh long để cúng bái của cả hai nước đều cao do đó việc tiêu thụ trở nên dễ dàng hơn.

"Nhà nước nên tạo điều kiện trong việc thúc đẩy nội tiêu mạnh mẽ đặc biệt là kênh chợ truyền thống, sản thương mại điện tử, siêu thị. Hiện nay chợ truyền thống ở một số địa phương vẫn đang bị kiểm soát chặt khiến việc tiêu thụ trở nên khó khăn hơn", ông Nguyên cho biết.

Rủi ro cao với cây thanh long khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc

Đây không phải là lần đầu tiên quả thanh long Việt Nam phải "điêu đứng" vì những thay đổi chính sách tại thị trường Trung Quốc. 

Những năm gần đây, cứ đến thời điểm chính vụ từ tháng 6 - tháng 8, những tiêu đề như "Giá thanh long rớt thảm" "Giá thanh long chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg vì Trung Quốc ngừng nhập"...lại xuất hiện trên các mặt báo.

Đây là hệ quả của việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ yếu thanh long của Việt Nam với tỷ trọng lên tới khoảng 90%.

Không giống như trước đây khi chỉ phụ thuộc nguồn cung tại Việt Nam, hiện Trung Quốc cũng đang phát triển loại cây này. Theo Cục Xuất nhập khẩu, do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long, nên trong vài năm gần đây diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần.

Tính đến hết năm 2020, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.

Do đó, những năm gần đây, cứ đến thời điểm mùa thu hoạch thanh long của hai nước trùng nhau (Cuối quý II - đầu quý III), việc xuất khẩu hàng sang Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Họ ưu tiên tiêu thụ thanh long được trồng trong nước trước.

Ở thị trường tiêu thụ nội địa, vụ mùa thanh long Việt Nam lại trùng với các loại quả khác như vải, chôm chôm, sầu riêng,...do đó người tiêu có nhiều lựa chọn hơn. 

Dường như, Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu thuận lợi vào Trung Quốc ở thời điểm trái vụ (thời điểm cuối năm và gần Tết Âm lịch). Thế nhưng năm nay, ngay cả khi trái vụ, dịch COVID-19 cũng cướp đi cơ hội kiếm tiền của ngành. Doanh nghiệp và nhà vườn đành "nín thở" theo dõi tình hình thông quan ở đợt thu hoạch tiếp theo vào gần Tết Âm lịch. 

Cục Xuất nhập khẩu cảnh báo việc Trung Quốc ngày càng mở rộng diện tích thanh long sẽ khiến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này ngày càng khó khăn trong thời gian tới.

Theo ông Nguyên, một trong những biến pháp để khắc phục tình trạng này đó chính là tập trung vào chế biến sâu như sấy khô hoặc làm dẻo, đóng hộp... Tuy nhiên, dù bán tươi hay chế biến cũng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu thanh thong không an toàn thì nhà máy cũng không dám nhập vào để chế biến.

H.Mĩ