Sumitomo thoái vốn khỏi Ô tô Trường Long sau hơn 15 năm gắn bó
Sumitomo Corporation đã bán toàn bộ 840.000 cổ phiếu của CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (Mã: HTL), tương ứng với 7% vốn. Ngày giao dịch là 25/1.
Cổ phiếu HTL kém thanh khoản trên sàn HOSE. Phiên 25/1 ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận bằng đúng 840.000 đơn vị, giá trị 9,7 tỷ đồng (bình quân 11.600 đồng/cp). Bên mua là ông Lã Văn Trường Sơn, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc của Trường Long.
Trước đó, theo biên bản kiểm phiếu ngày 15/1 bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, cổ đông đã thông qua việc miễn chào mua công khai trường hợp Tập đoàn Sumitomo chuyển nhượng 840.000 cổ phiếu HTL cho nhóm cổ đông ông Lã Văn Trường Sơn, bà Nguyễn Thị Diễm Kiều (Chủ tịch Hội đồng quản trị, vợ ông Sơn), bà Lã Thị Thanh Phương (Phó Giám đốc, em ông Sơn).
Như vậy, ông Sơn tăng sở hữu lên thành 3,7 triệu đơn vị, tương ứng với 30,9% vốn. Trong năm 2023, ông Sơn cũng đã từng mua 840.000 cổ phiếu HTL từ tay Sumitomo, thực hiện từ 17/2/2023 đến 1/3/2023.
Sumitomo đã trở thành đối tác chiến lược nắm giữ 25,56% cổ phần của Trường Long vào tháng 10/2007.
Danh sách cổ đông lớn hiện tại còn có bà Nguyễn Thị Diễm Kiều (25,3% vốn), ông Sumit Petcharapyrat - Thành viên Hội đồng quản trị đại diện vốn Chairatchakarn (Bangkok) Co. Ltd (24,6% vốn).
Chairatchakam (Bangkok), một trong những đại lý lớn nhất của xe Hino ở Thái Lan, đã trở thành cổ đông chiến lược tại HTL với 18% vốn vào tháng 1/2014.
Về tình hình kinh doanh, Trường Long từng báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 62 tỷ đồng, 135 tỷ đồng và 53 tỷ đồng trong các năm 2014, 2015 và 2016. Kể từ các năm về sau, lãi chỉ đạt dưới 40 tỷ đồng, thấp nhất là 5,6 tỷ đồng vào 2018.
Trường Long vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, tính đến sáng 29/1. Theo báo cáo hợp nhất quý III, công ty có doanh thu 370 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ bằng 1/3 cùng kỳ, ở mức 9 tỷ đồng.