|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước là bí mật nhà nước

22:27 | 15/11/2018
Chia sẻ
Chiều 15-11, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Luật khẳng định rõ, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc thuộc 15 lĩnh vực.
suc khoe lanh dao cao cap cua dang nha nuoc la bi mat nha nuoc
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Trong lĩnh vực chính trị, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước bao gồm: chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; thông tin về hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thông tin về thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đáng chú ý, thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng thuộc diện mật trong lĩnh vực y tế.

Luật cấm hành vi làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật; truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông...

Căn cứ tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Trong đó, bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Bí mật nhà nước độ Tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Bí mật nhà nước độ Mật là bí mật nhà nước liên quan đến lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều 8, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bí mật nhà nước đã được xác định trước thời điểm Luật này có hiệu lực (1-7-2020) mà quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này thì phải giải mật hoặc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trước ngày 1-7-2023.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay, dự thảo Luật đã điều chỉnh theo hướng về phạm vi bí mật nhà nước, quy định cụ thể những thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong từng lĩnh vực phải là những thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Nội dung điều luật này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu rà soát nội dung bí mật nhà nước tại 96 Danh mục bí mật nhà nước hiện hành trong các lĩnh vực của các cơ quan trung ương, các bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, nội dung Điều này đã được gửi xin ý kiến 39 bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức ở trung ương có liên quan trực tiếp đến việc lập danh mục bí mật nhà nước.

Về danh mục bí mật nhà nước, dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm lập và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước; quy định danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quản lý thì không phải thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cùng với đó, bỏ quy định lập danh mục bí mật nhà nước của địa phương để bảo đảm thực hiện thống nhất về danh mục bí mật nhà nước từ trung ương đến địa phương theo từng lĩnh vực quản lý. Theo đó, việc xác định thông tin bí mật nhà nước của các cơ quan, tổ chức ở địa phương sẽ tuân thủ danh mục bí mật nhà nước theo lĩnh vực quản lý.

Về sao, chụp bí mật nhà nước (Điều 12), theo UBTVQH, dự thảo luật đã quy định cụ thể hơn về thẩm quyền cho phép sao, chụp; bổ sung khoản 5 quy định về trường hợp giao quyền cho cấp phó trong một số trường hợp cụ thể; đồng thời, điều luật cũng giao Chính phủ quy định việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Xem thêm

Phan Thảo