|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sửa đổi Bộ luật Lao động: ‘Tôi không hiểu Quốc hội sẽ giơ tay kiểu gì’

07:02 | 23/09/2019
Chia sẻ
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động – xã hội, nhận xét việc có quá nhiều điều khoản trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định rằng Chính phủ sẽ quy định tiếp là một bất cập.
bo-luat-lao-dong-sua-doi-nguyen-thi-lan-huong-1-vnf

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi không có công bằng, bình đẳng

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, khi nêu khái niệm người lao động, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã định vị người lao động trong mối quan hệ làm công ăn lương.

“Phạm vi điều chỉnh như vậy là rất hẹp. Người làm công ăn lương chỉ chiếm 44% tổng số lao động, vậy số còn lại không nằm trong độ bao phủ của bộ luật”, bà Hương nói.

Độ bao phủ còn thu hẹp hơn nữa khi dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi loại tầng lớp công chức ra khỏi phạm vi điều chỉnh. Còn ngay với đối tượng người làm công ăn lương, dự thảo bộ luật cũng chỉ hướng tới bảo vệ những người có hợp đồng lao động.

“Tỷ lệ lao động tham gia hợp đồng lao động của Việt Nam hiện nay chưa đến 60%. Nhiều chính sách của ta dựa vào hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể nhưng ta biết tỷ lệ tham gia công đoàn ở khu vực tư nhân chưa được 40%. Một lần nữa, dự thảo bộ luật này đã loại những đối tượng trên”.

Bà Hương cũng chỉ ra rằng dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã loại thêm đối tượng lao động vị thành niên. Dẫn số liệu điều tra mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, bà Hương cho biết trong nhóm dưới 15 tuổi, tỷ lệ tham gia làm kinh tế (không phải lao động trẻ em) là 5% còn nhóm từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là 30%. “Nếu dự thảo bộ luật được áp dụng thì nhóm này sẽ bị loại bỏ”.

“Tóm lại là giống cô gái vót chông, cứ vót dần, vót dần, vót dần. Chính vì thế khi nói về phạm vi điều chỉnh, tôi cho rằng mục tiêu đảm bảo việc làm của dự thảo bộ luật là có nhưng công bằng, bình đẳng thì không.

“Ta thấy bộ luật bảo vệ một nhóm đối tượng nhưng lại bỏ sót một số đối tượng khác. Nếu ta cứ đưa ra nhiều tiêu chuẩn lao động ngặt nghèo khiến việc sử dụng lao động khó khăn thì một cách tất yếu, người chủ sử dụng lao động sẽ sa thải lao động. Người lao động bị sa thải sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi so với người có hợp đồng lao động”, bà Hương bình luận.

Không biết Quốc hội giơ tay kiểu gì

Theo bà Hương, trong số hơn 200 điều của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, có một nửa số quy định viết rằng Chính phủ sẽ quy định tiếp.

“Điều này có nghĩa là gì ạ? Có hai nghĩa: một là điều khoản bị nợ, hai là khó quá, không thực hiện được.

“Một ví dụ là Điều 187, ta đã đưa vào luật rồi (Bộ luật Lao động 2012 – PV) nhưng vẫn thất bại. Bây giờ quy định kéo dài thời gian làm việc, hưu trí gần như lặp lại trong khi Điều 187 Quốc hội đã giơ tay nhưng không triển khai nổi.

“Thế nên khi nhiều điều khoản vẫn còn quy định rằng Chính phủ sẽ quy định tiếp thì tôi cũng không hiểu Quốc hội sẽ giơ tay kiểu gì. Giơ tay kiểu cho qua đi, cho nợ quy chuẩn hay nợ kết quả”, bà Hương nêu quan điểm.

Một điểm bất cập nữa được bà Hương chỉ ra là quy định về tiền lương. Theo bà, chương “Tiền lương” trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi là chương “lạc hậu nhất”.

Điều 90 dự thảo bộ luật định nghĩa: “Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”.

Bà Hương cho rằng định nghĩa tiền lương như trên đã che khuất nỗ lực của người chủ sử dụng lao động trong việc đóng bảo hiểm và chi phí đào tạo cho người lao động.

“Người lao động, kể cả trong khu vực nhà nước, lương chỉ 7 – 10 triệu đồng, nhưng ta nhớ người nhà nước bình quân đóng hơn 2 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội. Mất đi đâu khoản tiền đó?”, bà Hương chỉ ra.

Bà Hương cũng cho rằng việc lặp lại các nội dung về lương tối thiểu là một điểm trừ.

“Vai trò lương tối thiểu chỉ nên ở mức thấp nhất, đừng gắn cho nó quá nhiều chức năng, nào là kích thích năng suất lao động, nào là… Điều ấy khiến lương tối thiểu cứ thượng lên, cứ vống lên. Theo điều tra của Viện kinh tế, lương tối thiểu đã chiếm 50% - 60% lương trung bình và tốc độ tăng lương tối thiểu cao gấp 2 lần tốc độ tăng giá.

“Với cách làm về lương tối thiểu, ta nghĩ rằng ta đang bảo vệ người lao động ở dưới đáy nhưng không phải, vì ta có nhiều điều kiện ràng buộc khác về tiền lương. Một cách dễ hiểu, khi điều chỉnh lương tối thiểu thì sự điều chỉnh này tác động đến mọi bậc lương. Và ai là người hưởng lợi? Không phải là người lao động! Bộ trưởng hệ số lương 13 thì hưởng lợi 13 lần, Đại tá hệ số 9 thì hưởng lợi 9 lần…”, bà Hương phân tích.

Vĩnh Chi