|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự trỗi dậy của cho vay ngang hàng (P2P) và nỗi lo lắng của cả người dùng lẫn các nhà quản lí

10:08 | 25/11/2019
Chia sẻ
Sự phát triển của các hoạt động cho vay ứng dụng công nghệ cao như cho vay ngang hàng là một xu thế khó tránh khỏi nhưng nó cũng tạo ra nhiều rủi ro cho người dùng và thách thức giám sát đối với các cơ quan quản lí.

Sự trỗi dậy của cho vay P2P: Điều không thể tránh khỏi

Với sự phổ biến internet khá cao và sự bùng nổ về sở hữu điện thoại di động ở Việt Nam, việc tín dụng đen đã chuyển sang trực tuyến là điều không thể tránh khỏi. 

Đầu tháng này, Bộ Công an Việt Nam đưa ra cảnh báo chính thức về sự nguy hiểm của các ứng dụng cho vay với mức lãi lên tới 1.600% mỗi năm và sử dụng các biện pháp bất hợp pháp, bạo lực để đe dọa người vay, đôi khi thậm chí là chiếm đoạt tài sản của người vay.

Các nhà phân tích cho rằng tổ chức cho vay ngang hàng cung cấp kênh vay tiền thay thế cho ngân hàng nhưng việc thiếu khung pháp lí sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực, khiến người tiêu dùng gặp nhiều rủi ro hơn vì họ không thể phân biệt các nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy với các chương trình cho vay không rõ ràng, đưa tin từ Tech in Asia.

6967883915_9e39d8d072_h

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Tech In Asia).

Theo World Index Global Index 2017, khoảng 70% dân số Việt Nam không có tài khoản ngân hàng. Và ngay cả trong số những người có tiền tiết kiệm trong ngân hàng, nhiều người không đủ điều kiện vay từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính thông thường.

ước tính có khoảng 150 công ty fintech tại Việt Nam, 40 trong số đó đang hoạt động trong lĩnh vực cho vay

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Công ty tư vấn tập trung vào châu Á, YCP Solidance, tin rằng số người Việt Nam không tiếp cận được với ngân hàng đã giảm và Việt Nam vẫn tụt hậu so với một số nước láng giềng Đông Nam Á khi xét về mức độ thâm nhập của ngân hàng.

Công ty cũng ước tính rằng thị trường fintech tổng thể của Việt Nam có thể xử lí 7,8 tỉ USD giao dịch vào năm 2020. Sự phát triển đó chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của thanh toán kĩ thuật số.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ước tính có khoảng 150 công ty fintech tại Việt Nam, 40 trong số đó đang hoạt động trong lĩnh vực cho vay.

Các tổ chức bị cuốn hút bởi tiềm năng kinh doanh sinh lợi trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng vi mô của Việt Nam do các yếu tố như nhân khẩu học thuận lợi, chủ nghĩa tiêu dùng gia tăng, lượng người chưa tiếp cận tới ngân hàng còn khá lớn, theo báo cáo của Fitch Ratings.

Tuy nhiên, các khoản vay tiêu dùng vi mô, bao gồm những khoản vay do các công ty cho vay ngang hàng (P2P) cung cấp thường có rủi ro cao hơn vì người vay thường không tiếp cận được tới ngân hàng hoặc công ty tài chính tiêu dùng, phần lớn là do thiếu hồ sơ tín dụng chính thức.

Lỗ hổng pháp lí, cơ hội cho những chuyên gia lừa đảo

Theo báo cáo cho vay P2P của Việt Nam do công ty luật Allens công bố, thiếu đi khung pháp lí cho kinh doanh P2P, hầu hết các công ty thường có thể hoạt động như một nền tảng để kết nối người vay và người cho vay.

Tuy nhiên, điều này dẫn đến rủi ro không có sự bảo vệ pháp lí cho cả người vay và người cho vay. Một lỗ hổng pháp lí cũng cản trở sự phát triển của toàn ngành, vì các công ty cho vay có thể tham gia vào các hoạt động của ngân hàng – những hoạt động không nên do các tổ chức phi tín dụng thực hiện.

Các nền tảng P2P nổi tiếng như VayMuon hay Tima – vốn đã huy động được 3 triệu USD trong vòng gọi vốn series B năm ngoái – thường được nhắc đến như những tổ chức P2P đáng chú ý trong hệ sinh thái Việt Nam fintech. Tuy nhiên, lướt nhanh trên trên cửa hàng ứng dụng App Store cho thấy một loạt các ứng dụng cho vay khác chẳng ai biết tới.

Vào tháng 7/2019, NHNN đã cảnh báo các tổ chức tín dụng trong nước và các chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nên thận trọng khi hợp tác với các công ty cho vay P2P. 

Theo NHNN, một số công ty cho vay P2P địa phương đã đánh lừa các nhà đầu tư và người tiêu dùng và thuyết phục họ rằng các hoạt động của họ được bảo vệ theo các qui định hiện hành và được bảo hiểm trước các rủi ro.

Xét tính đến cảnh báo gần đây của Bộ Công an cũng như các qui định bị trì hoãn, niềm tin xã hội đối với lĩnh vực cho vay P2P chắc chắn không cao.

Lo ngại từ sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc

Được thành lập vào năm 2017 và là một phần của Tập đoàn NextTech, công ty cho vay P2P VayMuon được coi là một trong những nền tảng phổ biến nhất của loại hình này tại Việt Nam với 2 triệu người dùng (theo tuyên bố của công ty). Công ty cũng đã mở rộng dịch vụ sang Myanmar và Campuchia.

VayMuon phục vụ các cá nhân (như nhân viên văn phòng hoặc công nhân nhà máy) các khoản vay ngắn hạn, nhanh chóng nhưng không đáp ứng nhiều yêu cầu như tại ngân hàng. Khoản vay của họ dưới 10 triệu đồng và được phê duyệt dựa trên dữ liệu do một số startup và các đối tác thu thập như mức tiền lương, bằng chứng thu nhập và các khoản nợ hiện có.

Lãi suất cho vay được VayMuon giới hạn ở mức 1,5%/tháng hoặc 18%/năm mà không phải từ những người cho vay. VayMuon đang tìm cách thực hiện sớm vòng huy động vốn series A và có kế hoạch sử dụng tiền mặt để đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời nhắm đến các phân khúc khách hàng khác.

Theo cho biết từ bà Đào Thị Trang, Giám đốc điều hành Vaymuon, công ty đã xoay sở để xây dựng một thương hiệu có uy tín, nhưng cũng đồng ý rằng những tin tức tiêu cực liên tục về các vụ gian lận của các nền tảng khác có thể có khả năng cản trở sự phát triển của ngành trong dài hạn.

"Chúng tôi rất minh bạch trong việc công bố lãi suất và lệ phí, nhưng chúng tôi hy vọng rằng một khung pháp lí toàn diện sẽ giúp thanh lọc thị trường, phân biệt những công ty tốt với những công ty xấu", bà nói.

Giống như những người trong ngành khác, bà Trang cũng thừa nhận mối lo ngại gia tăng về lĩnh vực này vì việc Trung Quốc siết chặt về mặt pháp lí đối với tổ chức cho vay P2P có thể khiến nhiều tổ chức cho vay P2P từ Trung Quốc chạy sang các thị trường lân cận, bao gồm cả Việt Nam.

khoảng 1/4 trong số 40 nền tảng cho vay hiện tại ở Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc

Hãng tin Securities Times - Trung Quốc

Vào tháng 4/2019, hãng tin tài chính nhà nước Securities Times của Trung Quốc đã đề xuất trong một báo cáo rằng khoảng 1/4 trong số 40 nền tảng cho vay hiện tại ở Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc và chuyển các hoạt động của họ sang Việt Nam do các qui định ở "quê nhà" quá khắc nghiệt.

Trung Quốc bắt đầu kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này vào năm 2016. Năm đó, một nền tảng có tên Ezubao bị buộc tội điều hành một đa cấp lừa đảo (Ponzi) ở Trung Quốc. Việc bắt giữ này phần nào phơi bày những rủi ro trong lĩnh vực cho vay trực tuyến của Trung Quốc.

Trước năm 2016, các nền tảng cho vay tại Trung Quốc đã thu hút số lượng lớn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi nhiều trong số các nền tảng này tham gia vào hành vi sai trái, như gian lận và chiếm dụng tiền, việc trấn áp là không thể tránh khỏi.

Các thống kê không chính thức tại Trung Quốc cho thấy số lượng ứng dụng cho vay ở Trung Quốc giảm xuống dưới 600, từ mức gần 6.000 trong năm 2015. 

Ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình), Chủ tịch Tập đoàn NextTech, ước tính số lượng nền tảng cho vay P2P tại Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc có thể cao hơn nhiều, rơi vào khoảng từ 60 đến 70.

Ông Bình cho biết Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình xây dựng khung qui định cho vay P2P và ngăn chặn những tổ chức cho vay Trung Quốc đáng ngờ bám rễ tại Việt Nam để tránh tạo ra bất ổn xã hội tiềm tàng.

Việt Nam cần lưu ý đến các động thái nhanh chóng ở Indonesia, ông nói, đề cập đến việc Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia đã xác định và cấm 297 nền tảng cho vay P2P bất hợp pháp vào đầu tháng này.

Khuôn khổ pháp lí thử nghiệm

Tại một cuộc thảo luận gần đây về việc phát triển khung pháp lí để thúc đẩy đổi mới công nghệ và kinh doanh tại Việt Nam, ông Ngô Văn Đức, đại diện Vụ Thanh toán NHNN cho biết NHNN đã đề xuất cho phép công ty fintech tham gia vào khuôn khổ pháp lí thử nghiệm trong vòng hai năm.

NHNN đã đệ trình đề xuất điều chỉnh fintech lên Chính phủ. Các bên liên quan trong ngành và các quan chức Chính phủ kì vọng rằng một nghị định hướng dẫn các hoạt động liên quan đến fintech trong khuôn khổ pháp lí thử nghiệm sẽ được phát triển vào năm 2020.

Nếu mọi thứ diễn ra đúng theo kế hoạch, các nhà đầu tư có thể thở phào nhẹ nhõm.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với KrAsia, Vy Le, đối tác chung của ESP Capital - một quĩ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam và Đông Nam Á, cũng đồng ý rằng các nhà đầu tư đã thận trọng khi rót vốn vào các nền tảng cho vay P2P tại Việt Nam cho đến khi có hướng dẫn chính thức rõ ràng hơn.

Báo cáo của ESP Capital và Cento Ventures về đầu tư công nghệ tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 cũng cho thấy phần lớn nguồn tài trợ ở nước này được chuyển sang thanh toán và chuyển tiền, trong khi dịch vụ tài chính chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên, tiềm năng của ngành vẫn còn rất lớn.

Theo báo cáo gần đây của Google, Temasek và báo cáo gần đây của Bain & Company về các dịch vụ tài chính số của Đông Nam Á, lĩnh vực này có thể được định giá 60 tỉ USD vào năm 2025. Trong khi thanh toán kĩ thuật số và chuyển tiền đang ở điều chỉnh, thì hoạt động cho vay số được dự báo sẽ tăng trưởng tốc độ nhanh hơn nhiều, đặc biệt là ở Việt Nam.

Báo cáo này cũng cho thấy các qui định hỗ trợ và nhất quán và chính sách của Chính phủ sẽ là yếu tố then chốt nhất trong việc phát triển các dịch vụ tài chính số trên toàn khu vực.

Michael Sieburg, đối tác từ Solidance, cho biết việc các công ty ở Trung Quốc và Đông Nam Á muốn khám phá hoặc thâm nhập thị trường Việt Nam đã tăng lên trong những tháng gần đây. Để mở khóa thị trường đầy tiềm năng này, ông tin rằng việc bảo vệ người tiêu dùng nên là trung tâm trong các qui định cho vay P2P.

"Người tiêu dùng phải được bảo vệ chống lại các hành vi gian lận và từ một số lãi suất cho vay – vốn đã tăng lên rất cao, rất nhanh... Chỉ cần xảy ra một vài trường hợp người tiêu dùng bị lừa gạt, mọi người sẽ mất niềm tin vào thị trường này", ông nói. 

Minh Tuấn