Sự ra đời của đồng tiền kỹ thuật số của NHTW không làm giảm tầm quan trọng của tiền ảo và bitcoin
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc đã ra mắt trên sân khấu toàn cầu trong tuần vừa qua, khi các vận động viên nước ngoài và những người tham gia Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh có thể sử dụng nó lần đầu tiên, theo CNN.
Ví dụ, mọi người có thể truy cập ví nhân dân tệ kỹ thuật số thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, ứng dụng này khác với các ứng dụng thanh toán khác hoặc ví bitcoin, tiền điện tử ở chỗ nó là phiên bản kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) phát hành.
Liệu đồng tiền kỹ thuật số NHTW có thay thế được bitcoin và tiền ảo?
Cho đến nay, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã được thử nghiệm ở nhiều thành phố khác nhau của Trung Quốc và được sử dụng trong các giao dịch trị giá hơn 8 tỷ USD – chỉ tính riêng trong nửa cuối năm 2021. Những nỗ lực của Trung Quốc cũng thúc đẩy các quốc gia khác suy nghĩ về đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ.
Gần 90 quốc gia, chiếm hơn 90% GDP toàn cầu, đang tích cực khám phá một loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), theo thống kê của Hội đồng Đại Tây Dương.
Một số người cho rằng CBDC sẽ hủy bỏ nhu cầu về tiền điện tử như bitcoin. Rốt cuộc, chúng ta thực sự cần bao nhiêu loại tiền kỹ thuật số khác nhau? Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại. Sự gia tăng của các đồng tiền kỹ thuật số của nhà nước làm nổi bật tầm quan trọng của tiền điện tử phi tập trung vì bitcoin hay các đồng tiền ảo khác được đánh giá là "tự do", tương đối riêng tư và không bị kiểm soát bởi bất kỳ chính phủ nào.
Mặc dù tiền kỹ thuật số của Trung Quốc là một cam kết ấn tượng có thể mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như thanh toán dễ dàng và hiệu quả, nhưng quyền riêng tư không phải là một trong số đó. Trong bất kỳ nền tài chính nào, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ giúp chính phủ tác động tới các giao dịch tài chính, đầu tư của công dân.
Ông Yaya Fanusie, trợ lý cấp cao tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Bạn có thể không phải cung cấp ID để thực hiện các khoản thanh toán nhỏ [với tiền kỹ thuật số nhà nước]. Nhưng chính phủ sẽ có thể theo dõi tất cả các giao dịch, nói chung, cho dù chúng có được ẩn danh hay không".
Trung Quốc đã có một hệ thống thanh toán di động rất phức tạp, dẫn đầu là WeChat Pay và Alipay. Các công ty đã thu thập nhiều dữ liệu tài chính tư nhân, nhưng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ làm cho chính phủ dễ dàng tiếp cận hơn nữa các dữ liệu đó so với trước đây.
Ông Fanusie nói rằng chính phủ Trung Quốc đã có thể đến các công ty thanh toán và lấy dữ liệu, nhưng với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, họ sẽ không cần thực hiện thêm bước đó vì họ đã có quyền truy cập trực tiếp vào dữ liệu đó. Với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, ông nói, "họ hầu như không phải nhấc một ngón tay. Dữ liệu tự đến với họ".
CBDC không chỉ có thể theo dõi mà còn có thể lập trình được. Ví dụ, sau một thảm họa thiên nhiên, một chính phủ có thể gửi cho công dân tiền kỹ thuật số có thể được chi tiêu cho thực phẩm và thuốc men, nhưng không phải cho các khoản rượu chè, giải trí. Điều này có nghĩa là các chính phủ sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc quyết định ai có quyền truy cập vào tiền kỹ thuật số.
Trong trường hợp của Trung Quốc, ông Fanusie nói, "sẽ rất dễ dàng để ngân hàng trung ương tắt bất kỳ ví nào mà họ muốn tắt, vì các vấn đề chính trị hoặc chống tội phạm hoặc điều gì khác nữa".
Vẫn còn quá sớm để đánh giá những tác động của tiền kỹ thuật số
Hiện tại, vẫn còn quá sớm để biết chính xác các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương sẽ được triển khai như thế nào trong thực tế, nhưng mối lo ngại lớn đến mức Hạ nghị sĩ Mỹ Tom Emmer đã trích dẫn các vấn đề về quyền riêng tư trong luật mà ông đưa ra, dự kiến sẽ cấm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát hành CBDC trực tiếp cho các cá nhân.
Bitcoin và các đồng tiền điện tử có khả năng cung cấp một cách tiếp cận khác. Bitcoin vẫn đang là đồng tiền điện tử hàng đầu thế giới, được giới thiệu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 như một dạng tiền độc lập với sự kiểm soát của chính phủ hoặc ngân hàng. Các giao dịch bitcoin được lưu trữ trên một sổ cái phi tập trung được gọi là blockchain.
Một trong những lợi thế chính của bitcoin là không chính phủ nào có thể ngăn người dùng gửi hoặc nhận nó, và không chính phủ nào có thể đóng cửa mạng bitcoin. Bitcoin cũng là một dạng tiền tương đối riêng tư, theo nghĩa là tất cả những gì bạn cần để gửi và nhận bitcoin là một địa chỉ bao gồm chuỗi số và chữ cái. Một số nhà đầu tư, giao dịch bị thu hút bởi tiền điện tử đơn giản vì họ tin rằng ngay cả các giao dịch hoàn toàn hợp pháp cũng nên được hưởng các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư cơ bản.
Một số người theo chủ nghĩa ủng hộ tiền điện tử thuần túy sẽ tranh luận rằng ngay cả bitcoin cũng không đủ riêng tư, vì tất cả các giao dịch bitcoin đều được ghi lại trên một chuỗi khối có thể xem công khai.
Tuy nhiên, việc gắn một địa chỉ bitcoin với danh tính của một người thực sẽ rất mất công: Chính phủ hoặc các cơ quan gián điệp sẽ phải dành rất nhiều thời gian, kỹ năng và nỗ lực cho nhiệm vụ phân tích dữ liệu blockchain. Ngược lại, các đồng tiền kỹ thuật số như đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc được thiết kế để chính phủ có thể truy xuất nguồn gốc.
Các nhà phát triển hiện đang làm việc để tăng cường bảo vệ quyền riêng tư của bitcoin. Tuy nhiên, có những loại tiền kỹ thuật số khác, ví dụ như zcash và monero thậm chí còn thúc đẩy bảo vệ quyền riêng tư như một tính năng chính. Ví dụ, zcash sử dụng một công cụ mật mã được gọi là zero-knowledge proofs, là một cách để xác minh một tập hợp dữ liệu mà không tiết lộ dữ liệu đó. Các loại tiền điện tử mới liên tục xuất hiện và chúng ta có thể sẽ thấy nhiều đổi mới hơn nữa khi nói đến quyền riêng tư.