Sự phân hóa diễn ra trong mỗi nhóm ngành, NĐT không nên giải ngân 'tất tay' và tránh sử dụng margin
Giai đoạn dòng tiền rẻ và dễ dàng không còn nữa, kinh tế toàn cầu đã và đang thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất tăng cùng xu hướng thắt lưng buộc bụng của người dân. Tại Việt Nam, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch, kinh tế tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên sức ép từ các yếu tố bên ngoài vẫn đang có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, có thể làm xoay chuyển bức tranh lợi nhuận của các nhóm ngành trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra là sự xoay chuyển đó sẽ diễn ra như thế nào và các nhà đầu tư cần có chiến lược ra sao cho phù hợp với giai đoạn như hiện nay.
Chia sẻ trong Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show), ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đánh giá tiềm năng với các ngành liên quan đến đầu tư công.
Với chính sách đẩy mạnh đầu tư công từ giờ cho đến cuối năm, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong đó có ngành thép cũng sẽ có thể được hưởng lợi. Ngành ngân hàng cũng có thể tích cực, các ngân hàng đều nới thêm room tín dụng, trong giai đoạn tới sẽ đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Bên cạnh đó ngành cảng biển vẫn có thể hưởng lợi từ hoạt động xuất nhập khẩu tích cực.
"Theo tôi giai đoạn hiện tại trở đi cho đến cuối năm, giao dịch trên thị trường sẽ sôi động hơn so với giai đoạn trước đó", ông Hiển nhận định về diễn biến thị trường.
Sắp tới chúng ta cũng sẽ tiếp nhận những thông tin về GDP quý III, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III, đồng thời hướng dần đến quý IV. Sau khi rút ngắn chu kỳ thanh toán về T+2, chúng ta nhận thấy rằng giao dịch trên thị trường đã có sự khởi sắc hơn. Còn về mặt chỉ số, thị trường có lẽ sẽ tích lũy ở trong khu vực vùng đáy khoảng 1.140 điểm với biên độ trên khoảng 1.300 điểm.
Còn theo quan điểm của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank, năm nay việc tìm những ngành tiềm năng đó như việc mò kim dưới đáy bể. Ngay cả trong những nhóm ngành đó, những cổ phiếu riêng lẻ chỉ tăng trưởng trong một giai đoạn rất ngắn, rồi sau đó lại điều chỉnh hoặc giảm. Một số ngành nhà đầu tư có thể theo dõi, quan sát từ bây giờ cho đến cuối năm và có thể giải ngân thành phần như ngành công nghệ, vận tải và hàng tiêu dùng.
Đến giai đoạn này, vùng trũng của năm đã trôi qua. Ông Khánh cho biết thanh khoản hiện nay so với thời điểm đỉnh điểm chỉ bằng 1/4 – 1/5 mặc dù dòng tiền cũng có thể hiện. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có giao dịch tích cực hơn so với năm ngoái, cho nên từ bây giờ cho đến cuối năm, VN-Index chỉ có thể trên mức 1.300 điểm một chút ở bối cảnh tốt nhất, còn không sẽ dao động ở mức 1.140 – 1.300 điểm.
Đối với chiến lược đầu tư, ông Khánh gợi ý nhà đầu tư nên hướng về mặt phòng thủ nhiều hơn, để một tỷ trọng tiền mặt lớn trong danh mục đầu tư. Với một số ngành đang có tiềm năng rất tốt, nhưng các nhà đầu tư không nên tất tay và quan trọng không sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) trong giai đoạn năm 2022 này.
Trong khi đó, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng nhà đầu tư cũng phải quan tâm rất nhiều đến các doanh nghiệp, bởi bây giờ sự phân hóa trên thị trường rất mạnh, có thể là phân hóa của các doanh nghiệp trong cùng một nhóm ngành.
Khi lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư phụ thuộc vào 4 yếu tố, đó là doanh nghiệp đó phải đạt được tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh tương lai, doanh nghiệp phải có nền tảng tài chính đủ mạnh, doanh nghiệp có nền tảng quản trị chuyên nghiệp và minh bạch, cuối cùng là yếu tố về định giá.
Nhà đầu tư chỉ nên mua khi định giá của doanh nghiệp rơi vào vùng hấp dẫn, có những doanh nghiệp dù tăng trưởng tốt nhưng giá vẫn cao, triển vọng đầu tư có thể không bằng những doanh nghiệp kém hơn một chút, nhưng định giá đang ở mức hấp dẫn hơn.