|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức nội mua ròng gần 230 tỷ đồng tuần VN-Index rơi khỏi ngưỡng 1.250 điểm, gom hơn trăm tỷ đồng MWG

20:30 | 12/09/2022
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index rung lắc mạnh trước áp lực chốt lời ngắn hạn, tổ chức trong nước nổi lên là một trong các bên mua ròng với giá trị 226 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 132 tỷ đồng.

VN-Index đóng cửa tuần thứ 37 của năm 2022 với 3 phiên giảm, 2 phiên tăng, mất đi 31,73 điểm để dừng chân tại 1.248,78 điểm. Như vậy, VN-Index giảm 2,48% sau chuỗi tuần tăng điểm kể từ đầu tháng 7, qua đó phá vỡ vùng tích lũy trên 1.260 điểm kéo dài 3 tuần trước đó.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 15.282 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,5% so với tuần trước đó, nhưng giảm tới 24,1% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Giao dịch kém tích cực khiến 15/19 ngành giảm điểm. Trong đó, ngân hàng, dịch vụ tài chính, du lịch và giải trí có mức giảm trên 4,8%.

Lực bán phần nào đã được giải phóng giúp thị trường cân bằng lại tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định thị trường có thể nhanh chóng quay lại vùng tích lũy trên 1.260 điểm.

Nhóm bán lẻ và thực phẩm thu hút dòng tiền tổ chức nội

Theo thống kê từ Fiinpro, dòng tiền đầu tư của tổ chức nội ghi nhận cải thiện trong tuần 5 – 9/9 với 10/18 ngành được mua ròng.

Sau chuỗi bán ròng từ cuối tháng 8, NĐT tổ chức trong nước bất ngờ đảo chiều mua ròng 187 tỷ đồng cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ. Đây cũng là ngành được tổ chức nội giải ngân mạnh nhất tuần qua dù giá cổ phiếu bán lẻ tuần qua chưa có nhiều sức bật trong tương quan với các nhóm ngành khác.

Ngành được mua ròng mạnh thứ hai là thực phầm và đồ uống. Hoạt động gom cổ phiếu thực phẩm vẫn được duy trì trong vài tuần gần đây, quy mô mua ròng tăng mạnh lên 79 tỷ đồng từ hơn 2 tỷ đồng tuần trước đó.

Ngoài ra, dòng tiền từ các tổ chức trong nước còn tìm đến các ngành hàng & dịch vụ công nghiệp (54 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (38 tỷ đồng), hóa chất (32 tỷ đồng), bảo hiểm (25 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (18 tỷ đồng).

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngành thép ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch theo tuần tăng mạnh lên 9,86%, chỉ số ngành tăng 1,62%, là ngành tăng điểm mạnh nhất thị trường trong tuần. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, nhóm này còn giảm 33,2%.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp

Ở chiều ngược lại, tổ chức nội tập trung xả cổ phiếu nhóm ngân hàng với giá trị gần 150 tỷ đồng. Áp lực chốt lãi chưa được giải phóng sau nhiều tuần tăng điểm và điều này đã được thể hiện qua phiên bán tháo ngày 7/9 trước thông tin room tín dụng không như kỳ vọng và diễn biến tiêu cực của các thị trường chứng khoán thế giới.

Ngân hàng nhà nước (NHNN) tuần qua đã cấp tín dụng mới cho các Ngân hàng thương mại. NHNN cũng yêu cầu đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, theo đó các NHTM không ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định Chính phủ. Sau gần 3 tháng triển khai, dự kiến tiền hỗ trợ lãi suất đến cuối tháng 8 mới đạt 13,5 tỷ đồng so với số tiền Bộ tài chính dự kiến bố trí 16.035 tỷ đồng trong năm 2022.

Theo BSC, với số liệu cấp tín dụng mới khảo sát tại một số Ngân hàng và định hướng tín dụng 14% năm 2022 của NHNN, nhiều khả năng sẽ còn một đợt cấp tín dụng nữa với quy mô 1% - 1,5% vào cuối năm tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô. Dù vậy, với quy mô và cách thức cấp tín dụng này, dòng tín dụng sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất và ít cơ hội lan tỏa sang các lĩnh vực đầu tư những tháng cuối năm 2023.

Mặt khác, tổ chức trong nước cũng có động thái chốt lời các ngành xây dựng & vật liệu (77 tỷ đồng), du lịch & giải trí (36 tỷ đồng), dầu khí (28 tỷ đồng),…

Tập trung gom MWG, VHC 

 (Ảnh: Linh Chi).

Danh mục mua ròng tuần qua nổi trội với hoạt động giải ngân vào cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động. Đây cũng là mã duy nhất được mua/bán ròng trên trăm tỷ đồng tuần vừa qua.

Cùng thuộc nhóm bán lẻ công nghệ, DGW cũng được tổ chức nội mua ròng 77,4 tỷ đồng. Dòng vốn tổ chức nội cũng giải ngân vào nhiều cổ phiếu khác như VHC (95,9 tỷ đồng), VHM (78,7 tỷ đồng), và REE (57 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera - CTCP bị NĐT tổ chức trong nước xả mạnh nhất với giá trị gần 67,4 tỷ đồng. Trong đó, bên hấp thụ toàn bộ là NĐT cá nhân trong nước.

Vừa qua, Viglacera tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022, qua đó cho biết doanh thu hợp nhất Tổng công ty 8 tháng đạt 10.194 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm là 16.579 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm, tăng trưởng 48% so với kết quả thực hiện năm ngoái.

Doanh thu hợp nhất công ty mẹ 8 tháng đạt 5.096 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm là 6.878 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch năm và tăng trưởng 24% so với kết quả thực hiện năm trước.

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế toàn Tổng công ty 8 tháng đạt 1.992 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm là 2.265 tỷ đồng (vượt 33% kế hoạch năm), tăng 47% so với kết quả thực hiện năm 2021. Với công ty mẹ, lợi nhuận trước thuế 8 tháng đạt 1.534 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2022 là 1.800 tỷ đồng (vượt 50% kế hoạch năm), tăng trưởng 57% so với thực hiện năm ngoái.

Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, danh mục rút ròng còn có sự góp mặt của một số cổ phiếu ngân hàng như VPB (52,3 tỷ đồng), STB (49,3 tỷ đồng), MSB (47 tỷ đồng),..

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Linh Chi