|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự nghiệp kinh doanh của người phụ nữ Việt chịu bạo hành hơn 10 năm

08:02 | 21/12/2017
Chia sẻ
“Như cá gặp nước” là câu mà một nữ doanh nhân ở tỉnh Bình Thuận dùng để ví khi thoát khỏi cảnh bạo hành từ người chồng vũ phu.
 

Hơn 10 năm chịu bạo hành

Xuất phát là một kỹ sư xây dựng tại Bình Thuận, Lê Nguyện luôn kỳ vọng chị sẽ có cuộc sống viên mãn khi lập gia đình. Nhưng thật không may, chồng chị là kẻ vũ phu, sẵn sàng đánh đập vợ.

su nghiep kinh doanh cua nguoi phu nu viet chiu bao hanh hon 10 nam

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, tham quan xưởng sản xuất của Hợp tác xã Thanh long Hàm Đức. Chị Lê Nguyện (đứng giữa) hiện là Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Hợp tác xã. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Khi có gia đình, chồng tôi bắt phải cáng đáng mọi thứ trong khi bản thân anh ấy không làm ra tiền, không đáp ứng được kinh tế gia đình. Tôi vừa phải làm việc, vừa lo cho con, lại vừa chăm chồng. Đôi khi tôi không thể quán xuyến hết mọi việc. Vì nếu tập trung vào công việc tôi không thể chăm sóc gia đình theo ý chồng được. Qúa nhiều mâu thuẫn, chồng tôi sinh ra cáu bẳn, bồ bịch, rồi về nhà đánh đập vợ con”, chị Nguyện chia sẻ.

10 năm là khoảng thời gian Nguyện phải sống nín lặng trong cảnh bạo lực vì những đứa con. Khi hai con trưởng thành, cứng cáp hơn, chị quyết định thoát khỏi người chồng vũ phu.

“Không còn sự bó buộc từ chồng, tôi nghĩ ra đủ thứ để làm”

Thoát khỏi hoàn cảnh khắc nghiệt, chị Nguyện thành lập một công ty xây dựng. Mặc dù công ty nhỏ nhưng tình hình kinh doanh khá thuận lợi.

Tuy nhiên, đầu năm 2015, trước tình trạng trái thanh long, loại quả phổ biến tại Bình Thuận, xuống giá trầm trọng, Nguyện cảm thấy vô cùng đau xót.

“Bản thân tôi cũng là người trồng thanh long. Hồi đó, ra ngoài đường, đâu đâu cũng thấy vô vàn trái thanh long mà người dân vứt trên đường, hai bên bở sông, hai bên cầu. Thanh long rẻ đến mức thương lái không chịu thu mua. Đến cả con gà, con cá cũng không ăn. Mà trồng ra quả thanh long, bà con tốn nhiều công sức, tiền bạc. Tôi biết có những hộ phải cắm sổ đỏ, vay tiền để lấy vốn đầu tư”, chị tâm sự.

su nghiep kinh doanh cua nguoi phu nu viet chiu bao hanh hon 10 nam
Dây chuyền sản xuất rượu vang thanh long của Hợp tác xã Thanh long Hàm Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tìm đầu ra cho sản phẩm là tâm tứ lớn của Nguyện. Cùng lúc đó, các hộ gia đình tại địa phương vẫn thường làm nước ép thanh long để uống giải khát. Xuất phát từ ý tưởng này, Nguyện tận dụng trái thanh long để chế thử rượu có nồng độ cồn 10% và được bạn bè khen ngợi, ủng hộ. Từ đó, chị quyết định tập hợp một số bà con lại để mở rộng mô hình kinh doanh thành Hợp tác xã Thanh long Hàm Đức.

Sử dụng 600 tấn thanh long của gần 50 hộ dân trong năm 2017

Chị Nguyện cho biết, ban đầu Hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn ở khâu sản xuất. “Mọi người đều là nông dân nên toàn phải tự mày mò. Khi đó, rượu của chúng tôi chỉ giữ nguyên chất lượng trong thời gian rất ngắn. Nếu để lâu, rượu sẽ chua, mất màu, lắng cặn”, Nguyện nói.

Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng lớn, muốn mở rộng cần có quy trình sản xuất chuyên nghiệp, chị Nguyện quyết định mời riêng một kỹ sư công nghệ thực phẩm để nghiên cứu công thức bảo quản rượu lâu và có hương vị đặc trưng. Đồng thời, chị mời thêm một kỹ sư công nghệ thông tin tạo bao bì bắt mắt, bởi theo chị: muốn mở rộng thị trường thì bản thân sản phẩm phải chuẩn, chuyên nghiệp.

Hiện nay, Hợp tác xã Thanh Long, Hàm Đức có 17 thành viên chính và hơn 20 thành viên hộ dân hợp tác theo mùa vụ. Năm 2016, Hợp tác xã sản xuất 60.000 lít rượu. Sang năm 2017, con số tăng lên 120.000 lít rượu. Sản phẩm được bán chủ yếu tại các điểm du lịch, siêu thi, đại lý khắp Bình Thuận. Ngoài ra, chị còn mở rộng thị trường tới TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Điều khiến tôi cảm thấy mừng là hợp tác xã đã tiêu thụ 600 tấn thanh long của gần 50 hộ dân”, chị Nguyện nói.

Bùi Mến