Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này (29/7 - 2/8): Nóng lên từng ngày trước phiên họp chính sách của Fed vào giữa tuần
Ảnh: Getty Images
Triển vọng thị trường ngoại hối tuần 29/7 - 2/8
Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ đổ dồn sự chú ý vào quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 31/7.
Trong cuộc họp này, các nhà hoạch định chính sách Mỹ được kì vọng sẽ đưa ra mức cắt giảm lãi suất đầu tiên trong hơn một thập kỉ qua trước lo ngại về tăng trưởng chậm và lạm phát không đạt được mục tiêu năm 2019.
Thị trường cũng sẽ theo dõi chặt chẽ báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ để xác nhận liệu Fed có cần thay đổi điều chỉnh lãi suất hay không, khi mà các nhà đầu tư đang cố gắng đánh giá triển vọng chính sách tiền tệ cho nửa cuối năm 2019. Báo cáo việc làm này sẽ được công bố vào ngày 2/8 tới.
Ngoài ra, diễn biến mặt trận thương mại cũng thu hút không ít mối quan tâm từ nhà đầu tư, bởi quan chức Mỹ - Trung sẽ tiến hành đàm phán vào hai ngày 30 - 31/7.
Các cuộc họp của ngân hàng trung ương ở Anh và Nhật Bản cũng góp phần thúc đẩy tâm lí thị trường trong tuần tới.
Đồng USD đã ghi nhận mức cao nhất trong hai tháng vào ngày 16/7 khi dữ liệu tăng trưởng tốt hơn dự đoán của Mỹ không làm thay đổi kì vọng về một đợt hạ lãi suất sắp tới từ Fed. Xung đột thương mại và nhu cầu trên toàn cầu chững lại là nguyên nhân dẫn đến kì vọng trên.
Dữ liệu cho thấy GDP quí II của Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 2,1%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,1% ghi nhận trong quí I. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn khả quan hơn mức dự báo 1,8% của các nhà kinh tế học.
"Thị trường sẽ tiếp tục nhận thấy rằng nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định, tốt hơn phần lớn nền kinh tế thuộc nhóm G7 khác. Điều này tương quan với sức mạnh của đồng USD mà chúng ta sắp thấy nhờ kết quả này", ông Erik Nelson, chiến lược gia tiền tệ tại Wells Fargo Securities ở New York, nhận định.
"Tôi không nghĩ dữ liệu kinh tế mới công bố sẽ thay đổi diễn biến của cuộc họp Fed vào tuần tới. Chúng tôi vẫn dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất xuống 25 điểm cơ bản tại cuộc họp", ông nói thêm.
Vào cuối phiên giao dịch tại Mỹ ngày 26/7, chỉ số USD đã tăng 0,2% ở mức 97,72. Nó đã tăng 0,9% trong tuần sau khi tăng khoảng 0,4% vào tuần trước đó.
Đồng bạc xanh được thúc đẩy thêm sau khi cố vấn Nhà Trắng Larry Kudlow cho hay Mỹ đã loại trừ các chính sách can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích hành vi phá giá đồng tiền của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến những đồn đoán rằng ông Trump muốn can thiệp lên tỷ giá đồng USD.
Trong cùng ngày 26/7, đồng EUR đã giảm 0,16% xuống mức 1,1125. Tuy vậy, đồng tiền chung của EU vẫn phục hồi so với mức thấp trong hai tháng là 1,1112 ghi nhận được sau quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Sau phiên họp của ECB, Chủ tịch Mario Draghi cho biết ngân hàng này sẵn sàng hạ lãi suất tại cuộc họp sắp tới vào tháng 9 và đang xem xét các lựa chọn nới lỏng khác.
Đồng GBP đã giảm 0,6% xuống còn 1,2377, sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói với tân Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng thỏa thuận Brexit đạt được bởi người tiền nhiệm Theresa May của ông Johnson là thỏa thuận Brexit phù hợp nhất.
Sự kiện thị trường ngoại hối 29/7 - 2/8
Ngày | Các thông tin công bố |
Thứ Ba (30/7) | - Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định lãi suất - Đức công bố chỉ số CPI - Mỹ công bố chỉ số giá PCE cốt lõi - Mỹ công bố dữ liệu tiêu dùng cá nhân - Mỹ công bố dữ liệu niềm tin người tiêu dùng - Mỹ công bố doanh số nhà chờ bán |
Thứ Tư (31/7) | - Trung Quốc công bố chỉ số PMI sản xuất và phi sản xuất - EU công bố dữ liệu GDP - EU công bố ước tính CPI - Mỹ công bố bảng lương phi nông nghiệp ADP - Bang Chicago công bố chỉ số PMI - Fed quyết định lãi suất |
Thứ Năm (1/8) | - Trung Quốc công bố chỉ số PMI Caixin thuộc lĩnh vực sản xuất - Ngân hàng Trung ương Anh quyết định lãi suất - Mỹ công bố số lượng đơn đăng kí thất nghiệp ban đầu - Mỹ công bố chỉ số PMI sản xuất ISM |
Thứ Sáu (2/8) | - Mỹ công bố cán cân thương mại - Mỹ công bố bảng lương phi nông nghiệp |