|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 2/8 - 6/8: Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7, Fed có thêm cơ sở để hoạch định chính sách

06:45 | 02/08/2021
Chia sẻ
Tuần này, nhà đầu tư ngoại hối có thể quan tâm theo dõi báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ, bên cạnh cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh và một số dữ liệu kinh tế khác.

Theo Investing.com, báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ sẽ là điểm nhấn nổi bật đối với các nhà đầu tư ngoại hối tuần này. Hiện tại, thị trường đang tìm kiếm các dấu hiệu có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) siết chặt chính sách tiền tệ sớm hơn.

Ngoài ra, trên lịch kinh tế Mỹ còn có các dữ liệu khác như chỉ số PMI của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) và số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần.

Tại Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tổ chức cuộc họp chính sách mới nhất. Các quan chức BoE được dự đoán là sẽ lặp lại quan điểm hiện tại của Fed, rằng ngân hàng trung ương này nên duy trì các gói kích thích thêm một thời gian trước khi đảo chiều chính sách.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 2/8 - 6/8: Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7, Fed có thêm cơ sở để hoạch định chính sách - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện có thể tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này:

1. Báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ

Theo kế hoạch, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 7 vào ngày 6/8. Bản báo cáo này sẽ cung cấp thông tin mới về mức độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ, đồng thời tạo tiền đề để các quan chức Fed hoạch định chính sách trong tương lai.

Các nhà kinh tế dự đoán, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tạo thêm khoảng 900.000 việc làm trong tháng 7. Tháng trước đó, Mỹ đón nhận thêm 850.000 việc làm, vượt qua ước tính của giới chuyên gia.

Tuần trước, tại cuộc họp chính sách mới nhất, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết thị trường việc làm vẫn cần được hỗ trợ trước khi ngân hàng trung ương Mỹ thu hồi các biện pháp kích thích.

Hiện tại, Fed đang thu mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu kho bạc và các tài sản đảm bảo khác mỗi tháng. Đây là một phần trong chính sách mà Fed ban hành vào mùa xuân năm ngoái để đối phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tại cuộc họp hồi tháng 6, các quan chức Fed đã bắt đầu tranh luận về khả năng giảm bớt việc thu mua trái phiếu. Song, các nhà hoạch định chính sách chưa nêu rõ khung thời gian cho động thái này.

Fed đang phải đối mặt với nỗi lo lạm phát khi mà chỉ số giá tiêu dùng đang neo ở mức khá cao. Tuy nhiên, các quan chức khẳng định rằng lạm phát chỉ tăng tạm thời và sẽ giảm bớt khi những nút thắt trong chuỗi cung ứng được tháo gỡ, nhu cầu trở lại bình thường và giá một số mặt hàng quay về mức ổn định.

2. Các dữ liệu kinh tế khác

Tuần này, ngoài báo cáo việc làm tháng 7, chính phủ Mỹ còn dự kiến công bố thêm một số dữ liệu quan trọng khác như chỉ số PMI sản xuất và PMI dịch vụ do ISM tổng hợp, lần lượt vào các ngày 2/8 và 4/8.

Theo các chuyên gia phân tích, chỉ số PMI sản xuất của ISM dự kiến sẽ duy trì ở mức cao nhưng sẽ chỉ ra một số hạn chế trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là giữa lúc nền kinh tế Mỹ dần phục hồi.

Đến ngày 3/8, Washington sẽ công bố số lượng đơn đặt hàng tại nhà máy. Sau đó, họ sẽ phát hành số liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào ngày 5/8. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể kể từ đầu năm nay, nhưng biến chủng Delta đang làm gia tăng số ca nhiễm mới trên toàn quốc và gây ra rủi ro lớn cho thị trường lao động.

Ngoài ra, một số quan chức Fed cũng có kế hoạch phát biểu trong tuần này, bao gồm Chủ tịch Fed chi nhánh Boston - Eric Rosengren, Phó Chủ tịch Fed - Richard Clarida và Thống đốc Fed - Christopher Waller.

3. Cuộc họp của BoE

BoE được cho là sẽ tiếp tục duy trì các gói kích thích ở tốc độ hiện tại khi nhóm họp vào ngày 5/8, bất chấp một số bất động giữa các nhà hoạch định chính sách về quy mô của chương trình thu mua trái phiếu trong bối cảnh lạm phát gia tăng và nền kinh tế khởi sắc.

Ở cuộc họp sắp tới, các quan chức BoE nhiều khả năng sẽ nâng dự báo lạm phát cho năm nay, nhưng triển vọng tăng trưởng vẫn còn bất ổn vì ảnh hưởng của biến chủng Delta.

Ngoài ra, sau khi hai nhà hoạch định sách lên tiếng ủng hộ kết thúc sớm hơn dự kiến chương trình mua trái phiếu, thị trường sẽ chú ý theo dõi xem có quan chức nào khác tán thành lời kêu gọi này hay không.

Khả Nhân