|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 20/1 - 24/1: Sôi động với nhiều cuộc họp chính sách tiền tệ đầu năm, ông Trump tham dự diễn đàn Davos

07:47 | 20/01/2020
Chia sẻ
Ngoài các cuộc họp chính sách đầu năm của ngân hàng trung ương Canada, Nhật Bản và khu vực Eurozone, việc ông Trump tham dự diễn đàn Davos và loạt số liệu kinh tế của Anh sẽ đưa ra nhiều gợi ý mới cho nhà đầu tư.

Tuần 20 - 24/1 sẽ là khoảng thời gian tương đối bận rộn khi mà nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) tiến hành cuộc họp lãi suất đầu tiên trong năm 2020, điều này có thể thiết lập hướng đi chính sách cho năm nay.

Tổng thống Donald Trump cũng sẽ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ - nơi Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến sẽ công bố dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vào hôm 20/1.

Ngoài ra, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể tiến hành hạ lãi suất, số liệu việc làm và chỉ số PMI của nước Anh nhiều khả năng sẽ thu hút nhiều sự chú ý nhất.

1. Cuộc họp chính sách đầu tiên của nhiều NHTW trong năm 2020

Các NHTW tại khu vực Eurozone, Nhật Bản và Canada được dự đoán sẽ không thực hiện bất kì thay đổi nào trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2020 vào tuần này.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiến hành đánh giá khung chính sách lần đầu tiên kể từ năm 2003 khi mà có nhiều câu hỏi xoay quanh khả năng điều chỉnh mục tiêu lạm phát của khu vực Eurozone.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 20/1 - 24/1: Sôi động với nhiều cuộc họp chính sách tiền tệ đầu năm, ông Trump tham dự diễn đàn Davos - Ảnh 1.

Tuần 20 - 24/1 sẽ là khoảng thời gian bận rộn cho nhà đầu tư. (Ảnh: Getty Images)

Được biết, các nhà hoạch định chính sách của ECB đã không thể hoàn thành mục tiêu lạm phát rong 7 năm qua.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đang im lìm trước thềm cuộc họp ấn định lãi suất đầu tiên của năm 2020.

2. Tổng thống Trump tham dự Davos

Hiện tại, khi mà ông Trump đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc, nhiều khả năng chỉ là vấn đề thời gian trước khi ông quay sang giải quyết tranh chấp với châu Âu.

Vào hôm 21/1, ông Trump sẽ có cơ hội phát biểu quan điểm của ông về nền kinh tế và thương mại Mỹ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos.

Ông chủ Nhà Trắng đã nhiều lần chỉ trích chính sách âm của ECB. Ngoài ra, ông còn khẳng định việc giá của đồng USD so với đồng EUR quá cao chính là nguyên nhân gây ra thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ của Mỹ.

Theo Reuters, khả năng xảy ra một cuộc chiến tiền tệ dường như không quá xa vời. Bộ Tài chính Mỹ đã liệt Thụy Sĩ, Đức, Italy và Ireland vào danh sách các nước có khả năng thao túng tiền tệ vì 4 quốc gia này có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

3. Mặt trận dữ liệu kinh tế sôi động hơn vào cuối tuần

Trong một tuần tương đối yên tĩnh trên lịch kinh tế, nhà đầu tư sẽ được dịp làm nóng người vào hôm 24/1 với loạt dữ liệu PMI của khu vực Eurozone, Anh và Mỹ.

Trong khi dữ liệu của khu vực Eurozone được thị trường theo dõi sát sao nhằm tìm kiếm dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế chung, số liệu việc làm (công bố hôm 21/1) và chỉ số PMI của Anh sẽ cung cấp thông tin về việc liệu BoE có cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách vào ngày 30/1 hay không.

4. IMF cập nhật dự báo kinh tế toàn cầu

IMF sẽ công bố dự báo kinh tế toàn cầu vào ngày 20/1 tại Davos. Hôm 17/1, Giám đốc Điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva, cho biết thỏa thuận thương mại sơ bộ giữa Washington và Bắc Kinh sẽ giảm bớt chứ không thể loại bỏ bất ổn, yếu tố vốn đóng vai trò là lực cản với tăng trưởng toàn cầu.

IMF trước đó ước tính rằng căng thằng thương mại toàn cầu sẽ làm khiến tăng trưởng kinh tế thế giới sụt giảm 0,8%.

Bà Georgieva cũng cho biết IMF thường ủng hộ các hiệp định đa phương và cảnh báo rằng các hiệp định song phương có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng trong thời gian dài.

Yên Khê