Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này (18/11 - 22/11): Nhà đầu tư cố bắt sóng tín hiệu từ Fed, ECB và đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Triển vọng thị trường ngoại hối tuần 18/11 - 22/11
Biên bản cuộc họp chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ là tâm điểm của tuần này, khi mà nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tác động của việc nới lỏng chính sách các ngân hàng trung ương (NHTW) thực hiện gần đây trước bối cảnh thương mại bất ổn và tăng trưởng chậm.
Bài phát biểu của một số diễn giả từ Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) và tân Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng sẽ được theo dõi sát sao.
Trước bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ - Trung kéo dài, các bài phát biểu trên đặc biệt thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi mà họ đang cố gắng tìm hiểu hướng đi chính sách trong tương lai của các NHTW thuộc nhóm quyền lực nhất thế giới.
Trong khi đó, một loạt dữ liệu PMI của các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ được công bố vào ngày 22/11 và nhà đầu tư cũng không thể bỏ lỡ dòng sự kiện này vì họ đang tìm kiếm dấu hiệu mới cho thấy thương chiến Mỹ - Trung lại một lần nữa sụp đổ.
Ảnh: Getty Images
Đồng USD đã giảm điểm vào cuối phiên giao dịch hôm 15/11 sau khi tín hiệu lạc quan từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung kéo đồng euro (EUR) và bảng Anh (GBP) tăng giá. So với rổ 6 đồng tiền tệ chính, chỉ số USD Index đã giảm 0,17% xuống ngưỡng 97,85 điểm vào cuối phiên giao dịch.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết hai bên đã đạt được một số tiến bộ trong quá trình soạn thảo nội dung chi tiết của thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhờ đó mà đồng EUR và GBP mới có thể đi lên trong khi đồng tiền trú ẩn như yên Nhật (JPY) giảm điểm.
Đồng USD đã giảm 0,3% so với đồng EUR và giảm 0,2% so với đồng GBP, lần lượt ghi nhận ở mức 1,1051 USD/EUR và 1,2905 USD/GBP. Trong khi đó, đồng bạc xanh tăng 0,3% so với đồng JPY, cuối phiên giao dịch ghi nhận ở ngưỡng 108.73 JPY/USD.
Trước đó, do ảnh hưởng của bạo động xã hội tại Hong Kong và bất ổn thương mại đã làm gia tăng nhu cầu mua vào đồng JPY vào đầu tuần. Tương tự diễn biến mới nhất của đồng JPY, đồng franc Thụy Sỹ - một đồng tiền trú ẩn khác cũng giảm 0,2% so với đồng USD sau khi thương chiến ghi nhận kết quả tích cực.
Ông Terence Wu, một chiến lược gia tại ngân hàng OCBC Bank (Singapore) nhận định tiến triển trong đàm phán thương mại có thể không thay đổi cuộc chơi vào lúc này, do đó ảnh hưởng tích cực trên đối với thị trường sẽ sớm biến mất.
Tín hiệu lẫn lộn về đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã tăng cường trở lại trong vài ngày gần đây, trong khi bằng chứng về thiệt hại của nó đối với nền kinh tế toàn cầu lại tăng lên.
Vào hôm 15/11, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng trở lại vào tháng 10 nhưng người tiêu dùng lại hạn chế mua các mặt hàng gia dụng và quần áo đắt tiền. Điều này đặt ra câu hỏi liệu sức mạnh củng cố của người tiêu dùng đối với nền kinh tế Mỹ có đang lung lay.
Điều đó cũng có thể đã góp phần kéo đồng EUR và bảng Anh tăng lên.
Sự kiện thị trường ngoại hối 18/11 - 22/11
Ngày | Các thông tin công bố |
---|---|
Thứ Ba (19/11) | - Ngân hàng Dự trữ Australia công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ - Canada công bố doanh số hàng sản xuất - Mỹ công bố số lượng giấy phép xây dựng và nhà xây mới; Thành viên FOMC Williams phát biểu |
Thứ Tư (20/11) | - ECB đánh giá tình hình bình ổn tài chính - Canada công bố chỉ số CPI - FOMC công bố biên bản cuộc họp |
Thứ Năm (21/11) | - ECB công bố biên bản cuộc họp - Mỹ công bố số hồ sơ yêu cầu trợ cấp thất nghiệp, doanh số bán nhà sẵn có |
Thứ Sáu (22/11) | - Nhật Bản công bố chỉ số PMI sản xuất, CPI - Chủ tịch ECB Christine Largarde phát biểu - Khu vực Eurozone công bố chỉ số PMI dịch vụ và sản xuất sơ bộ - Canada công bố doanh số bán lẻ - Mỹ công bố chỉ số PMI dịch vụ và sản xuất sơ bộ |