|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 15/11 - 19/11: Mối lo lạm phát chưa dứt

06:38 | 15/11/2021
Chia sẻ
Mối lo ngại về lạm phát vẫn là trọng tâm chú ý của nhà đầu tư ngoại hối trong tuần này, bên cạnh một số dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc và châu Âu.

Theo nhận định của Investing.com, lo ngại lạm phát tiếp tục leo thang vẫn là mối quan tâm hàng đầu của thị trường trong tuần này, đặc biệt là trong bối cảnh các nhà đầu tư mong chờ báo cáo doanh số bán lẻ mới nhất của Mỹ.

Ngoài ra, các chuyên gia dự đoán rằng loạt dữ liệu kinh tế mới của Trung Quốc trong tuần này sẽ góp phần xác nhận sự chững lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ở diễn biến khác, châu Âu đang trải qua một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới, điều này có thể đè nặng lên triển vọng kinh tế chung thời gian tới.

Cuối cùng, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi thêm số liệu việc làm của Anh, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) muốn có thể bằng chứng về sự phục hồi của thị trường lao động trước khi tăng lãi suất.

1. Doanh số bán lẻ của Mỹ

Điểm nhấn trên lịch kinh tế tuần này sẽ là doanh số bán lẻ tháng 10 của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày 16/11. Giới chuyên gia dự đoán, sau khi nhích nhẹ 0,7% trong tháng 9, số liệu tháng 10 sẽ tăng khoảng 1,1%.

Giữa tuần trước, lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 10 đã nhảy vọt lên mức đỉnh 30 năm trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn nghiêm trọng. Đến cuối tuần, báo cáo khác cho thấy tâm lý người tiêu dùng đã tụt xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ do giá cả hàng hóa gây ảnh hưởng đến túi tiền của người dân.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 15/11 - 19/11: Mối lo lạm phát chưa dứt - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch để ngăn chặn lạm phát gây tác động xấu hơn đến tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Ngoài doanh số bán lẻ tháng 10, tuần này chính phủ Mỹ còn công bố thêm số liệu sản lượng công nghiệp (ngày 16/11), số lượng giấy phép xây nhà ở mới (ngày 17/11) và số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp tuần (ngày 18/11).

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 15/11 - 19/11: Mối lo lạm phát chưa dứt - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: iStock).

2. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang suy yếu và dữ liệu công bố trong ngày 15/11, gồm doanh số bán lẻ, đầu tư tài sản cố định và sản lượng công nghiệp, có thể xác nhận xu hướng này.

Đà tăng trưởng của Trung Quốc giảm tốc đang phủ bóng mờ lên triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, khi mà đất nước tỷ dân là một trong những động cơ tăng trưởng chính của thế giới.

Hiện tại, Trung Quốc đang đối mặt với nhiều mối lo lớn, từ ảnh hưởng của chính sách kiểm soát đại dịch đến GDP, cuộc khủng hoảng nợ của lĩnh vực bất động sản và cuộc khủng hoảng năng lượng đè nặng lên hoạt động công nghiệp.

Các nhà phân tích cho rằng, ngân hàng trung ương của Trung Quốc có thể thực hiện một chiến lược nới lỏng chính sách tiền tệ thận trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như kiểm soát cú sốc lạm phát.

Ở diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai siêu cường chưa hạ nhiệt. Dù vậy, giới chức Mỹ không kỳ vọng cuộc họp sẽ tạo ra tiến triển nào.

3. Dữ liệu việc làm của Anh

Tuần trước, BoE đã phát tín hiệu rằng họ muốn có thêm thông tin về thị trường lao động Anh trước khi tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Do đó, báo cáo việc làm mới nhất, dự kiến công bố vào ngày 16/11, sẽ là một chỉ báo rất đáng chú ý.

Dữ liệu việc làm của tháng 10 sẽ cho các nhà hoạch định chính sách của BoE biết liệu tỷ lệ thất nghiệp có gia tăng sau khi chương trình trợ cấp tiền lương thời đại dịch hết hạn từ cuối tháng 9 hay không.

Sau báo cáo việc làm, chính phủ Anh còn công bố thêm số liệu lạm phát (ngày 17/11) và doanh số bán lẻ (ngày 19/11). Lạm phát được dự đoán là sẽ tiếp tục leo thang, buộc BoE phải siết chặt chính sách tại cuộc họp tháng 12.

4. COVID-19 lại tấn công châu Âu

Đại dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại ở châu Âu, tạo thêm không ít sóng gió cho đà phục hồi kinh tế vốn đã rất mong manh của lục địa già.

Trung bình 7 ngày qua, châu Âu chiếm hơn một nửa số ca dương tính mới và khoảng một nửa số ca tử vong, theo dữ liệu do Reuters tổng hợp. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái, khi COVID-19 đạt đỉnh ở Italy.

Khá nhiều nước như Hà Lan, Đức, Áo và Cộng hòa Séc đều đang thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hoặc có kế hoạch phong tỏa để làm chậm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2.

Khả Nhân