Sự khắc nghiệt khi 'làm ăn' với Apple: Tiết lộ nửa lời, phạt chục triệu USD
Tuần trước, Huyndai xác nhận đang trong giai đoạn đàm phán ban đầu với Apple về hợp đồng hợp tác về xe ô tô. Gần như ngay lập tức, "ông lớn" xe Hàn Quốc đã phải rút lại chia sẻ của mình đồng thời xoá bỏ toàn bộ các nội dung có nhắc đến Apple.
Động thái của Huyndai một lần nữa thể hiện tính bí mật mà Apple luôn yêu cầu các nhà cung ứng hoặc đối tác tiềm năng của mình duy trì. Các công ty làm việc với Apple phải tuân thủ theo các thoả thuận cam kết bảo mật (NDA) cực kì "khắc nghiệt", ngay cả khi họ là các công ty đại chúng và Apple là một khách hàng lớn.
Mặc dù các thoả thuận cam kết bảo mật rất thường gặp trong lĩnh vực công nghệ, CNBC dẫn lời nguồn tin thân cận nói rằng Apple quan tâm đến vấn đề giữ bí mật thông tin hơn rất nhiều so với các đối thủ. Theo đó, Apple yêu cầu các đối tác của mìnhh không nhắc đến Apple ở nơi công cộng hoặc trên các phương tiện truyền thông.
Một người từng làm việc với Apple mô tả các yêu cầu bảo mật của Apple là rất nhiều rào cản mà họ cần vượt qua.
Trong ít nhất một trường hợp, Apple doạ sẽ phạt các đơn vị cung ứng 50 triệu USD cho mỗi một thông tin rò rỉ, theo một hợp đồng công ty GT Advanced Technologies tiết lộ trong hồ sơ phá sản.
Một số công ty được nói về mối quan hệ với Apple, nhưng chỉ sau khi bản thân Apple đã nhắc đến nó và phê duyệt.
Một ví dụ là Corning, công ty cung cấp kính cho iPhone. Apple đã thanh toán cho Corning ít nhất 450 triệu USD kể từ năm 2017. Apple cũng trực tiếp nhắc đến Corning trong thông cáo báo chí của mình như một ví dụ của việc Apple đang hỗ trợ các công ty sản xuất của Mỹ như thế nào.
Dù vậy, hồi đầu năm nay, CEO của Corning chia sẻ rằng ông không cảm thấy thoải mái khi nói về mối quan hệ của công ty và Apple cho tới khi công nghệ kính mới của Corning được Apple chủ động nêu tên khi giới thiệu chiếc iPhone 12.
"Tôi phải nói rằng tôi cảm thấy không đúng khi dùng tên gọi Apple công khai. Tôi không nghĩ mình lại làm điều đó. Bên trong công ty, chúng tôi dùng tên mã cho Apple, chúng tôi không nhắc đến từ Apple trong khuôn khổ nội bộ", ông Wendell Weeks, CEO Corning, nói.
Nỗi ám ảnh của Apple với tính bí mật dường như là một đặc trưng của thương hiệu này. Hồi năm 2011, Apple thậm chí còn bán một chiếc áo phông trong cửa hàng đồ lưu niệm tại trụ sở chính của mình có in dòng chữ "Tôi đã đến thăm trụ sở Apple. Đó là tất cả những gì tôi có thể chia sẻ".
CNBC nhận định tính bảo mật của Apple có thể đến từ người đồng sáng lập Steve Jobs. Ông là một bật thầy marketing và luôn muốn các màn ra mắt sản phẩm của Apple phải thực sự ấn tượng và đầy tính ngạc nhiên.
Bên trong Apple, hãng coi các thông tin chi tiết về các sản phẩm chưa ra mắt là "một trong những tài sản lớn nhất".
Trong chính sách thực hiện kinh doanh mà Apple cập nhật hồi tháng 10, Apple yêu cầu nhân sự của mình cần "thực sự chọn lọc" khi chia sẻ các thông tin kinh doanh của Apple với các nhà thầu hoặc đối tác. Bên cạnh đó, họ cũng chỉ nên làm điều này sau khi đã kí kết các thoả thuận bảo mật.