Sử dụng trọng tài trong lĩnh vực xây dựng: Xu hướng tất yếu
Các vụ tranh chấp trong xây dựng thường có giá trị lớn, liên quan đến nhiều chủ thể. Ảnh: Dũng Minh |
Số vụ tranh chấp tăng nhanh
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, GS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học pháp lý Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, xử lý tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam tăng rất nhanh, từ 10% năm 2014, lên 15% năm 2016.
Các trung tâm trọng tài Việt Nam đã thực hiện xét xử, tranh chấp trong lĩnh vực này nhiều vụ rất phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, từ nhà thầu chính, nhà thầu phụ, đơn vị thiết kế, các vấn đề về giá, sự điều chỉnh, thay đổi các hạng mục của dự án…
Cũng theo ông Hạnh, mặc dù còn có sự mất cân bằng giữa các hình thức giải quyết tranh chấp tại Việt Nam, đặc biệt giữa trọng tài kinh tế và hình thức hòa giải cấp cơ sở (do đặc thù văn hóa), tuy nhiên, các doanh nghiệp đã ngày càng tin tưởng hơn vào trọng tài kinh tế, vì sự uyển chuyển, hiệu quả trong hoạt động.
Hiện ở nước ta có 18 trung tâm trọng tài thay vì chỉ có một vài trung tâm như những năm trước đây. Số lượng trung tâm tăng mạnh cho thấy xu thế tin dùng trọng tài khá rõ rệt.
Đại diện VIAC cho biết, do tính chất phức tạp của các vụ xét xử trong lĩnh vực xây dựng, nên có những vụ, hội đồng trọng tài phải huy động cả các kiến trúc sư, kỹ sư, giám định…, để phục vụ quá trình xét xử. Có những vụ tranh chấp trong lĩnh vực này ở Việt Nam mà số tiền tranh chấp lên đến gần 100 triệu USD.
Ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng thư ký VIAC bổ sung thêm, ở nước ta, tỷ lệ các tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng 15% là mức rất cao và chỉ đứng sau các tranh chấp về thương mại. Giá trị các vụ xử kiện cũng lớn, thuộc top 5, top 10 các vụ kiện có giá trị cao nhất.
Không chỉ tranh chấp ở lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, ở Việt Nam, các dự án đã hoàn thiện cũng có nhiều tranh chấp như tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư. Thậm chí, có cả tranh chấp giữa khu dân cư này và khu dân cư kia về việc sử dụng không gian chung.
Lời khuyên từ các luật sư
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Luật TNHH Bizlink cho biết, thỏa thuận nơi giải quyết tranh chấp rất quan trọng, nhất là trong các hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
Thực tế cho thấy, có nhiều hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia không quy định cụ thể cơ quan giải quyết tranh chấp ở đâu, trung tâm trọng tài là trung tâm nào, pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp là của quốc gia nào.
“Nhiều điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng rất mơ hồ, không rõ ràng từ đầu, dẫn đến việc mỗi bên hiểu một kiểu có lợi cho mình, tạo ra những khó khăn cho quá trình phán xử. Đó là những bài học xương máu của doanh nghiệp Việt Nam khi không có luật sư tham gia vào tiến trình soạn thảo hợp đồng”, ông Mạnh cho biết thêm.
Các luật sư và trọng tài thương mại cũng đưa ra những lời khuyên, khi giải quyết tranh chấp cần lựa chọn luật sư có kinh nghiệm sâu về xây dựng, lựa chọn trung tâm trọng tài uy tín, nhất là trong các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài để có cách giải quyết tốt nhất.
“Với sự phát triển của thị trường xây dựng, bất động sản, hiện các trung tâm trọng tài Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều các doanh nghiệp bất động sản trong các vụ tranh chấp, bảo vệ quyền lợi trên lãnh thổ Việt Nam”, một luật sư khác cho hay.
Ở các vụ tranh chấp thông thường, thời gian để các trung tâm trọng tài đưa ra phán quyết (từ khi nhận hồ sơ) là từ 6 - 12 tháng. Các vụ có yếu tố nước ngoài thì lâu hơn, có thể lên đến hàng năm trời do tính chất phức tạp của vụ tranh chấp.
Việt Nam đang thiết kế cơ chế giải quyết một cấp, sau khi phán quyết của trọng tài được ban hành mà có một bên không đồng ý, thì có thể yêu cầu tòa án xem xét để hủy phán quyết đó. Việc hủy chỉ được thực hiện một cấp và không có kháng cáo. Tức nếu tòa phán quyết hủy phán quyết của trọng tài, thì các bên phải nộp đơn khởi kiện lại tại tòa án để bắt đầu một vụ tố tụng mới. Khi đó, phán quyết của tòa án sẽ là phán quyết cuối cùng.
Tuy nhiên, các trung tâm trọng tài và luật sư đều đưa ra kiến nghị là cần quy định rõ các tòa án có thể hủy các phán quyết trong những trường hợp cụ thể. Tránh trường hợp các trọng tài cứ đưa ra phán quyết lại bị tòa hủy, khiến trọng tài bị mất lòng tin từ nhà đầu tư.