|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sự cố metro số 1: Tư vấn giám sát phê duyệt vật liệu sai hợp đồng, tắc trách trong giám sát thi công

08:00 | 24/01/2021
Chia sẻ
Chủ đầu tư dự án nhận định việc phê duyệt vật liệu sai quy định hợp đồng và tắc trách trong giám sát thi công của đơn vị tư vấn giám sát là nguyên nhân dẫn đến sự cố trượt gối dầm metro số 1.

Theo Zing, sau những sự cố liên tiếp xảy ra với dự án metro số 1, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) cho rằng đơn vị tư vấn giám sát NJPT đã không làm tròn trách nhiệm đại diện chủ đầu tư theo quy định hợp đồng đã ký năm 2007.

MAUR đánh giá việc phê duyệt vật liệu sai quy định hợp đồng và tắc trách trong giám sát thi công, đặc biệt là nghiệm thu vật liệu gối cầu của NJPT là nguyên nhân dẫn đến sự cố làm rớt gối cao su trên công trình hồi đầu tháng 10; bao gồm gối cao su bản thép sử dụng cho khu vực cầu cạn, nhà ga và gối chậu sử dụng các cầu đặc biệt.

Sự cố metro số 1: Tư vấn giám sát phê duyệt vật liệu sai hợp đồng, tắc trách trong giám sát thi công - Ảnh 1.

Sự cố ở dầm cầu cạn tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên). (Ảnh: Vietnamnet).

Trước đó, ngày 22/1, MAUR xác định vật liệu thép được sử dụng cho tất cả gối cầu đều không đạt yêu cầu theo hợp đồng đã ký năm 2012 từ kết quả thí nghiệm và rà soát hồ sơ.

Theo hợp đồng này, nhà thầu liên danh SCC (Sumitomo - Cienco 6) phải sử dụng vật liệu bằng hoặc cao hơn tiêu chuẩn thiết kế ASTM A588. Tuy nhiên, SCC đã dùng vật liệu thép làm gối cầu khác với tiêu chuẩn trên, dẫn tới việc thép không đạt giới hạn chảy như yêu cầu.

Bên cạnh đó, MAUR phát hiện trọng lượng gối cao su ở vị trí xảy ra sự cố cũng nhẹ hơn 9,2 kg so với thiết kế được phê duyệt. Trọng lượng gối cao su bản thép theo hồ sơ quy định nặng 126,2 kg nhưng thực tế trên công trường chỉ nặng 117 kg.

Nhà thầu SCC lý giải khối lượng gối cao su trong bản vẽ thi công là danh định. Có nghĩa là khối lượng thực tế có thể thấp hơn yêu cầu trên thiết kế được phê duyệt do có sai số trong quá trình sản xuất, chế tạo. Còn nguyên nhân sự cố, SCC xác định gối cầu tại vị trí P14-10 bị rơi là do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm.

Sự cố metro số 1: Tư vấn giám sát phê duyệt vật liệu sai hợp đồng, tắc trách trong giám sát thi công - Ảnh 2.

Việc rơi gối cao su đã làm nứt, sụp trên tuyến. (Ảnh: PLO).

Tuy nhiên, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM không chấp thuận với lời giải trình này bởi MAUR cho rằng các sai số đã được tính toán trong giới hạn cho phép trước khi sản xuất.

MAUR đánh giá nhà thầu liên danh SCC (Sumitomo - Cienco 6) và Tư vấn giám sát NJPT đã không tuân thủ trình tự, thủ tục thực hiện dự án theo hợp đồng mặc dù hồ sơ chứng minh vật liệu thép được sử dụng sai khác so với thiết kế đã được chủ đầu tư chuyển cho SCC.

Ngày 23/1, MAUR đã đề nghị đơn vị tư vấn giám sát NJPT lập tức thống kê, rà soát danh sách nhân sự, kể cả người đã dừng điều động hoặc nghỉ việc có liên quan gối cầu từ thời điểm phê duyệt bản vẽ thi công, phê duyệt vật liệu thép, nghiệm thu vật liệu, giám sát thi công đến nay.

Khắc phục hoàn toàn sự cố trong quý I để đảm bảo tiến độ dự án

Theo Thanh niên, một cán bộ của MAUR chia sẻ hiên nay tất cả đều tập trung 100% sức lực để giải quyết tất cả vấn đề phát sinh tại tuyến metro số 1. Những cuộc khảo sát thực địa cùng chuyên gia để đánh giá tình hình, những cuộc hội ý cùng các kỹ sư, giới chuyên môn và họp đốc thúc phía nhà thầu liên tục diễn ra.

"Chúng tôi đặt mục tiêu phải tìm ra toàn bộ nguyên nhân, những vấn đề liên quan trước Tết Nguyên đán, sau đó khắc phục hoàn toàn trong quý I để đảm bảo tiến độ dự án. Lãnh đạo Ban thậm chí đã tính cả đến việc sẽ làm xuyên tết. Metro số 1 là tâm huyết của Ban, của lãnh đạo thành phố và là kỳ vọng rất lớn của người dân.

Chắc chắn chúng tôi sẽ ra các quyết định cần thiết và quyết liệt trong thời gian tới nhằm đảm bảo chất lượng công trình, an toàn trong giai đoạn vận hành khai thác của tuyến metro số 1.", vị này khẳng định.

Như Ngọc (tổng hợp)

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.