Sự cẩn trọng tối đa của các thương hiệu ở nước Hồi giáo trong năm Lợn
Khi người Việt Nam, Trung Quốc trên khắp thế giới chuẩn bị đón năm Lợn, các thương hiệu và trung tâm mua sắm ở Malaysia – quốc gia mà đa số dân là tín đồ Hồi giáo – đang tỏ ra thận trọng trong việc trưng bày hình ảnh con lợn để tránh những sự nhạy cảm văn hóa, Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin.
Hình ảnh lợn hiếm xuất hiện ở các siêu thị, khu giải trí
Thông thường, các trung tâm mua sắm trang trí lộng lẫy, tỉ mỉ để thu hút người tiêu dùng. Nhưng năm nay, hình ảnh con lợn không xuất hiện tại các trung tâm mua sắm.
Paradigm Mall, một trung tâm mua sắm ở thành phố Petaling Jaya, lại dùng ảnh mèo máy Doraemon để trang trí. Người mua sắm thấy hơn 30 tượng Doraemon ở trung tâm mua sắm Paradigm Mall trong mấy ngày qua.
Một đèn lồng hình con lợn tại một ngôi đền ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Ảnh: SCMP |
“Chúng tôi chủ yếu phục vụ nhu cầu của các gia đình và những cộng đồng xung quanh siêu thị. Vì thế, mọi hình ảnh trang trí và hoạt động giáp Tết âm lịch đều xoay quanh trẻ em và các gia đình. Chúng tôi cũng bảo đảm rằng mọi hoạt động trang trí tuân thủ mọi quy định của hội đồng thành phố”, Joanne Lee – người quản lý hoạt động quảng cáo và khuyến mại của Paradigm Mall, phát biểu.
Sử dụng hình ảnh trung tính hơn
Các trung tâm mua sắm khác cũng cố gắng tránh hình ảnh lợn. Thay vào đó, họ sử dụng hình ảnh trung tính hơn như sư tử, pháo và đèn lồng. 1Utama, chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Malaysia, trưng bày rất nhiều “lợn đất” ngoại cỡ. Nhưng ngoài những lợn đất, người ta không thấy bất kỳ hình ảnh lợn nào.
Mặc dù chính phủ khẳng định họ không cấm dùng hình ảnh hay đồ vật hình con lợn để trang trí, nhiều siêu thị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dùng hình ảnh loài vật trung tính để tránh những vấn đề nhạy cảm văn hóa.
Hình ảnh vũ công lợn trong bộ xếp hình Lego Dragon Dance. Ảnh: Lego |
Tín đồ Hồi giáo coi chó và lợn là những loài vật bẩn thỉu. Các thương hiệu ở những nước đạo Hồi luôn tỏ ra thận trọng tối đa mỗi khi xử lý hình ảnh lợn và chó. Năm 2018, một siêu thị tạp hóa nổi tiếng ở Malaysia in áo phông với chủ đề 12 con giáp để phục vụ khách hàng người Hoa. Nhưng họ bỏ lợn, chó và chỉ in 10 con giáp còn lại.
Chi nhánh của công ty Lego tại Malaysia cũng hành xử tương tự trong năm nay, khi họ trưng bày bộ xếp hình có kích cỡ lớn ở một trung tâm mua sắm. Ban đầu bộ xếp hình có hình ảnh lợn đứng đầu đoàn vũ công và cầm một quả bóng. Nhưng sau đó Lego đã thay đổi một chút để tránh phản ứng tiêu cực từ công chúng.Họ điều chỉnh vũ công lợn thành người giả trang giống lợn.
“Chiến dịch tiếp thị nhân dịp Tết âm lịch của Lego bắt đầu từ tháng 1 và đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn chưa nhận bất kỳ lời phàn nàn nào liên quan tới bộ xếp hình Lego Dragon Dance mà chúng tôi trưng bày tại trung tâm mua sắm Mid Valley”, Sylvie Ting, người quản lý thương hiệu Lego tại Singapore và Malaysia, bình luận.
Không phải mọi tín đồ Hồi giáo đều chào đón Tết âm lịch. Diễn đàn Hồi giáo Bogor (FMB), một tổ chức Hồi giáo bảo thủ tại phía Tây đảo Java, vừa công bố thỉnh nguyện thư yêu cầu chính quyền Indonesia bỏ Tết âm lịch, với lý do nó là sự kiện "không phù hợp" bởi nó làm "suy giảm đức tin Hồi giáo".
Nhiều nhóm Hồi giáo khác hứng ứng hành động của FMB, bao gồm Pemuda Pancasila và Persatuan Forum Komunikasi Pemuda Melayu - hai tổ chức từng phê phán cộng đồng người Hoa vì mừng kỷ niệm Tết nguyên đán.
Đối với nhiều người Hồi giáo tại Indonesia cũng như Malaysia, Tết nguyên đán là sự kiện mang tính tôn giáo, chứ không mang tính văn hóa.
Để bảo vệ Tết âm lịch và các cộng đồng dân cư đón sự kiện đó, Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia, ông Lukman Hakim Saifuddin, kêu gọi người dân Indonesia tôn trọng tín ngưỡng của các cộng đồng dân cư có văn hóa và tôn giáo khác biệt.
"Dù mọi người có hiểu như thế nào về sự kiện Tết âm lịch, tôi kêu gọi mọi người tôn trọng truyền thống này", ông Saifuddin nhấn mạnh.
Xem thêm |
Nhà phân tích Thung Ju Lan từ Viện Khoa học Indonesia nhận định tâm lý chống Tết nguyên đán là hệ quả của "những bài tường thuật thiếu khoan dung và mang động cơ chính trị".