|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

‘Start-up Việt không biết dùng tiền hiệu quả’

17:37 | 14/08/2018
Chia sẻ
Chính phủ ban hành một loạt chính sách để khơi thông dòng vốn, nhưng khả năng hấp thụ, sử dụng vốn của start-up Việt vẫn chưa cao.
 

Khơi thông dòng vốn

Vốn giống như mạch máu nuôi dưỡng doanh nghiệp, song mức độ tiếp cận nguồn vốn của start-up còn thấp.

Xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp, nhà đầu tư, chính phủ ban hành Nghị định 38/2018 nhằm khơi thông dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc khuyến khích thành lập các công ty, quỹ đầu tư khởi nghiệp.

start up viet khong biet dung tien hieu qua
Nghị định 38/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông dòng vốn cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo bà Trịnh Thị Hương, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trước khi Nghị định 38 ra đời, dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp chủ yếu từ các quỹ ngoại. Các nhà đầu tư trong nước chỉ hoạt động dưới hình thức công ty, vì muốn lập quỹ theo mô hình quốc tế rất khó đáp ứng điều kiện thành lập, yêu cầu của Luật Chứng khoán và hầu như không tham gia đầu tư khởi nghiệp.

Bà Hương nói: “Nghị định 38 đưa ra cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư tư nhân cùng nhau góp vốn thực hiện hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thông qua hình thức quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, họ không rót vốn quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp sau khi nhận đầu tư. Quy định này giúp bảo vệ start-up, cân bằng hệ sinh thái khởi nghiệp”.

Phan Hoàng Lan, người đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, nhận định, chính sách khuyến khích đầu tư khởi nghiệp tạo sự đồng thuận lớn trong doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu tìm hiểu. Nhưng kết quả ra sao phải chờ thêm thời gian.

“Nghị định 38 chưa đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng, như một số nhà đầu tư không có quá nhiều tiền vẫn muốn hỗ trợ cho start-up. Hiện tại, nước ta gần như chỉ tài trợ về nghiên cứu phát triển. Những khoản liên quan đến tìm hiểu thị trường như thế nào, đi ra nước ngoài ra sao chưa có chính sách hỗ trợ”, bà Lan nói.

Nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, trong thời gian tới, Đề án 844 của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, đặc biệt là kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài.

Khả năng hấp thụ của start-up

PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp - cho rằng những chính sách, nghị định thể hiện sự nỗ lực của Nhà nước trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Vốn ngân hàng đầu tư cho SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) còn thừa nhiều nhưng khả năng hấp thụ của họ kém.

“Vấn đề không nằm ở chỗ chính phủ có quan tâm hay thiếu vốn, mà start-up thực sự không có khả năng tiêu tiền và dùng tiền hiệu quả”, ông Quân nhấn mạnh.

Viện trưởng cho hay, 95% đề án gửi tới Viện nghiên cứu đều dưới dạng tự cung tự cấp. Trong một nghìn ý tưởng, chỉ có 1 - 2 ý tưởng có khả năng phát triển thành start-up nên sẽ rất khó tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp.

Bàn về vấn đề thực thi chính sách, Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp - khẳng định, để áp dụng văn bản vào cuộc sống cần sự tích cực từ hai phía: Nhà nước và doanh nghiệp.

“Nhiều chủ doanh nghiệp nói không ai hỗ trợ từ khi bắt đầu thành lập. Tuy nhiên, Chính Phủ không thể ra chính sách hỗ trợ từng doanh nghiệp. Không có quỹ đầu tư nào tới từng nơi hỗ trợ. Vì vậy, người điều hành phải biết công ty muốn gì để tự kết nối với chính sách”, ông Cương chia sẻ.

Xem thêm

Bùi Mến

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.