|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup Việt cần được 'nhúng' vào trung tâm khởi nghiệp lớn để gọi vốn

07:50 | 20/12/2019
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng, startup Việt Nam cần được “nhúng” vào các trung tâm khởi nghiệp lớn của thế giới để gọi vốn.
Startup Việt cần được 'nhúng' vào trung tâm khởi nghiệp lớn để gọi vốn - Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn tại hội thảo “Kết nối và phát huy các nguồn lực để startups Việt nhìn ra thế giới”.

Theo TS Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KHCN, Bộ KH&CN, ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư cho startup khởi nghiệp. Năm 2019, đã có hơn 800 triệu USD đầu tư cho startup Việt. 

Dự kiến năm 2020, startup sẽ thu hút 1.000 tỷ đồng từ các quỹ đầu tư. Năm 2025, con số này sẽ tăng gấp đôi, "Sắp tới, Bộ KH&CN hướng đến đưa các startup trải nghiệm gọi vốn tại những trung tâm cung cấp vốn tại Hàn Quốc, Singapore hoặc xa hơn tuỳ theo độ tuổi của các startup"- TS Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

Các startup đều đồng tình rằng, thị trường Việt Nam hiện tại đang có nhiều ưu thế để phát triển và mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ông Trí Hoàng,  CEO AI 20X, nhà khởi nghiệp tại Silicon Valley với thương vụ bán lại startup lớn nhất từng lên tới 268 triệu USD, bình luận rằng, so với quy mô các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam thì lượng vốn đang đổ vào startup là đáng kể.

Theo CEO Trí Hoàng, việc chủ động đưa startup đến các thị trường vốn mạo hiểm lớn là khả thi. 

"Tôi thấy gọi vốn ở Mỹ là cơ hội tốt cho các DN Việt Nam vì công nghệ 4.0 đã mở ra lối mới cho các nhà đầu tư Mỹ. Hầu hết quỹ đầu tư chú ý nhiều đến phần mềm, trong khi phần cứng thì khá giới hạn. Việt Nam đặc biệt giỏi về phần mềm, nên đây là cơ hội tốt cho chúng ta", CEO AI 20X chia sẻ.

Trong khi đó, nhà sáng lập Vietnam Sillicon Valley Thạch Lê Anh, nhân vật “chắp cánh” thành công cho hàng loạt startup công nghệ tên tuổi, và cũng là người cùng VietNam Silicon Valley đã góp phần tăng tỷ lệ sống sót của Startup từ 10% lên 38% trên con đường tiên phong đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào Việt Nam cũng bày tỏ nguyện vọng được tiếp sức cho startup Việt.

Startup Việt cần được 'nhúng' vào trung tâm khởi nghiệp lớn để gọi vốn - Ảnh 2.

Chuyên gia chia sẻ cách gọi vốn.

Nhà sáng lập Vietnam Sillicon Valley Thạch Lê Anh đánh giá, lượng vốn đang chảy vào startup Việt tương xứng với mức độ phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp hiện tại của đất nước. So với cách đây 7 năm, quy mô vốn đã phát triển đáng kể. 

Đơn cử tại VSV, vào năm 2012, mỗi startup được tổ chức này đầu tư chỉ 10.000 USD thì con số hiện tại cũng phải 50.000 USD. 

"Singapore là thị trường vốn mạo hiểm nhiều nhất khu vực. Còn Hàn Quốc cũng là nước trong nhóm đầu về rót vốn đầu tư vào Việt Nam", bà Anh cho biết thêm.

Còn bà Lê Hoàng Uyên Vy – đối tác điều hành của ESP Capital cho rằng, có nhiều startup ngại gọi vốn vì lo lắng sẽ mất quyền điều hành. 

Nhóm mua là một startup điển hình cho vấn đề vừa được nêu trên. Theo lời kể của ông Lâm Trần - nhà sáng lập Wisepass và từng là một trong những nhà lãnh đạo của Nhóm mua, thời điểm năm 2015, Nhóm mua đã gọi được 60 triệu USD. 

Mỗi tháng Wisepass trả cả trăm ngàn USD cho quảng cáo, truyền thống. Thế nhưng, gọi được nhiều tiền nhưng nhà sáng lập cũng mất hết quyền điều hành.

Cũng lo sợ mất quyền điều hành DN của mình, ông Don Lê – đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Everest Education không dám gọi vốn ngay từ đầu. “Chúng tôi gọi vốn từ bạn bè, gia đình… để có thể tự quyết định dự án của mình. 

Thực ra, không phải startup nào cũng cần vốn, chúng ta phải  biết được giá trị của mình. Khi giá trị được nâng lên thì không lo không phát triển được” - ông Don Lê nêu.

Startup Việt cần được 'nhúng' vào trung tâm khởi nghiệp lớn để gọi vốn - Ảnh 3.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy – đối tác điều hành của ESP Capital - chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn.

Tuy nhiên với quan điểm của một nhà khởi nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, nhà sáng lập CoderSchool Charles Lee cho rằng, các startup đừng sợ nhà đầu tư sẽ chiếm luôn công ty của mình, cần có lòng tin vào nhà đầu tư, vào chiến lược của họ”.

Không ngần ngại chia sẻ những thất bại trong quá trình khởi nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Metran Japan Trần Ngọc Phúc cho rằng, một trong những nguyên nhân thất bại của startup là không tìm được hướng đi chung với nhà đầu tư. Để thành công, cần có sự tương đồng quan điểm từ cả hai phía nhà đầu tư lẫn startup.

Theo Luật sư Mai Phan Zymaris - Chủ tịch VietChallenge, Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên và chuyên gia Việt Nam tại Mỹ, cơ hội để startups Việt hòa mình vào thế giới tuy nhiều nhưng cũng có không ít thách thức. Đặc biệt, tại thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ thì các thủ tục về mặt pháp lý sẽ phức tạp hơn so với Việt Nam.

Hà Linh