Startup siêu lừa Phố Wall: Bỏ học Stanford để khởi nghiệp, được so sánh với Steve Jobs và con đường tù tội
Theo CNN, hôm thứ Hai (3/1) CEO kiêm Founder của startup Theranos, Elizabeth Holmes đã bị kết án với 4 tội danh liên quan đến lừa đảo với 20 năm tù cùng khoản tiền phạt có thể lên tới 3 triệu USD, tính cả các khoản bồi thường.
Từ một người nổi tiếng với tuyên bố cách mạng hóa trong lĩnh vực xét nghiệm máu, Elizabeth Holmes hiện phải đối mặt tổng cộng 11 tội danh. Nữ CEO này bị cáo buộc đã cố ý nói dối các nhà đầu tư, bác sĩ và bệnh nhân về năng lực xét nghiệm máu của Theranos.
Nữ CEO 37 tuổi đã bị truy tố lần đầu cách đây 3 năm nhưng vì lí do dịch bệnh cộng thêm việc cô sinh con nên phiên tòa đã buộc phải hoãn lại. Elizabeth Holmes là trường hợp kinh điển, đi vào lịch sử Thung lũng Silicon, từ một doanh nhân nổi tiếng trở thành tội phạm lừa đảo.
Năm 2003, Holmes bắt đầu khởi nghiệp với Theranos ở tuổi 19, ngay sau khi bỏ học tại trường Đại học danh tiếng Stanford. Sau một thập kỷ hoạt động, Theranos đã bắt đầu quảng bá khả năng xét nghiệm bệnh ung thư và tiểu đường chỉ từ một ít giọt máu lấy từ ngón tay.
Cũng trong thời điểm đó, Theranos cũng đưa ra tuyên bố hợp tác bán lẻ với chuỗi cửa hàng dược phẩm Walgreens, đơn vị có hệ thống cửa hàng lớn thứ hai nước Mỹ, chỉ sau CVS Health.
Sau đó, thông tin Theranos được đầu tư 945 triệu USD từ nhiều cá nhân nổi tiếng như ông trùm truyền thông Rupert Murdoch; Nhà sáng lập Oracle, Larry Ellison; Gia đình Walton, chủ sở hữu nhà bán lẻ Walmart.... Elizabeth Holmes đã một bước trở thành tỷ phú nhờ mức định giá 9 tỷ USD của Theranos.
Nhờ những phát ngôn về khả năng xét nghiệm của Theranos, Holmes đã trở nên nổi tiếng khi xuất hiện liên tiếp trên trang bìa của các tạp chí lớn, ví dụ như Forbes. Tên tuổi của nữ CEO này xuất hiện ở khắp các hội thảo và thậm chí, CEO Theranos còn được đem so sánh với nhà sáng lập Apple, Steve Jobs.
Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó đã bị phanh phui sau cuộc điều tra của tờ Wall Street Journal vào năm 2015. Theo đó, những tiết lộ cho thấy công ty chỉ sử dụng công nghệ độc quyền của mình cho khoảng vài chục trong số hàng trăm thử nghiệm mà họ đưa ra, và những kết quả này cũng không đủ độ chuẩn xác.
Các nhà chức trách sau đó đã vào cuộc điều tra và đưa ra kết luận các biện pháp xét nghiệm của Theranos có hại tới sức khỏe người dùng. Các nhân chứng gồm các nhân viên, bác sĩ và cả những nhà đầu tư, quan chức có liên quan đến Theranos đã được triệu tập để phục vụ quá trình điều tra. Nhiều người cho biết Holmes đã phớt lờ những hạn chế trong công nghệ xét nghiệm của công ty để lừa dối các nhà đầu tư cùng bệnh nhân, bác sĩ và báo giới.
"Cô ta đã chọn lừa dối thay vì chấp nhận thất bại trong kinh doanh," công tố viên Jeff Schenk nói trong phần kết luận của mình. "Cô ta chọn cách không trung thực với các nhà đầu tư và bệnh nhân. Sự lựa chọn đó không chỉ là nhẫn tâm mà còn là tội ác".
Trong khi đó, luật sư biện hộ của Elizabeth Holmes thì nêu quan điểm cô là một doanh nhân đầy tham vọng, người không cố ý lừa đảo, do không hiểu ra khả năng của các phương phác xét nghiệm nên mới đưa ra phát ngôn sai lầm về Theranos.
Đáng chú ý, các luật sư bào chữa cũng tiết lộ một bí mật động trời. Theo đó, họ cho biết nữ CEO Theranos đã bị bạn trai cũ, kiêm Chủ tịch công ty, Sunny Balwani lạm dụng tình dục và kiểm soát những mọi thứ của Holmes, từ hành động đến cả những thứ cô ấy ăn nhằm đưa cô trở thành một hình mẫu CEO xuất sắc. Phía luật sư cho rằng điều này đã khiến nữ CEO phải chịu tác động sâu sắc, ảnh hưởng tới cuộc sống của cô.