|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup của cựu giám đốc Pizza 4P's nhận 2,8 triệu USD

13:03 | 17/11/2024
Chia sẻ
Kamereo - startup của cựu COO Pizza 4P's vừa huy động 2,8 triệu USD từ tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản. Ước tính, startup này đã huy động khoảng 10 triệu USD.

Kamereo, một startup về công nghệ thực phẩm có trụ sở tại Việt Nam, vừa hoàn tất vòng gọi vốn Series B với 2,8 triệu USD từ tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản, tờ Deal Street Asia đưa tin.

Đây là khoản đầu tư nối tiếp vòng gọi vốn trước đó vào tháng 3/2024, khi Kamereo đã huy động khoảng 2,1 triệu USD từ vòng Pre-Series B dẫn đầu bởi Reazon Holdings. Tổng cộng, Kamereo đã thu về gần 5 triệu USD trong năm nay, tạo đà để startup này mở rộng quy mô và tăng cường các giải pháp công nghệ cho chuỗi cung ứng thực phẩm tại Việt Nam.

Với nền tảng quản lý và phân phối tập trung, Kamereo đang đáp ứng nhu cầu về chuỗi cung ứng hiệu quả cho các nhà hàng, quán ăn và doanh nghiệp thực phẩm. Khoản vốn mới không chỉ giúp công ty mở rộng thị trường mà còn hỗ trợ tối ưu hóa vận hành và cải tiến các dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng trong ngành thực phẩm đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.

Kamereo được thành lập vào năm 2018 bởi ông Taku Tanaka, cựu COO của Pizza 4P’s, với sứ mệnh kết nối các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê với các nhà cung cấp thực phẩm đáng tin cậy.

Từ đó, Kamereo đã phát triển trở thành nền tảng phân phối thực phẩm B2B đầu tiên tại Việt Nam, phục vụ hơn 2.500 doanh nghiệp tại TP HCM và mở rộng ra các tỉnh Bình Dương, Đà Lạt. Trong bối cảnh khó khăn từ đại dịch COVID-19, Kamereo đã linh hoạt mở rộng sang bán lẻ B2C, một lĩnh vực không cốt lõi, nhằm đảm bảo khả năng sống sót qua khủng hoảng.

Hồi tháng 3/2024, Kamereo hoàn tất vòng gọi vốn Pre-Series B trị giá 2,1 triệu USD có sự góp mặt của Reazon Holdings - tập đoàn Nhật Bản chuyên về công nghệ thực phẩm và đầu tư, Quest Ventures - quỹ đầu tư nổi bật từ Trung Quốc, và ông Thoru Yamamoto, CEO FOODISON, công ty cung ứng hải sản B2B tại Nhật. Với vòng gọi vốn này, Kamereo kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu kêu gọi 7 triệu USD ở vòng Series B, phục vụ cho việc mở rộng mạng lưới cung ứng và nâng cấp hệ thống.

Dữ liệu từ Crunchbase cho thấy, Kamereo đã huy động được hơn 7,1 triệu USD, song nền tảng này chưa cập nhật vòng gọi vốn mới nhất từtập đoàn Sumitomo Corporation. Ngoài vòng Pre-Series B, Kamereo từng huy động 500.000 USD trong vòng Seed với nhà đầu tư là Genesia Ventures.

Tới tháng 7/2021, startup này hoàn tất huy động vòng Series A với giá trị 4,6 triệu USD từ CP Food (Thái Lan) dẫn đầu và thêm nhà đầu tư vòng trước là Genesia Ventures cùng Quest Ventures. Như vậy, Kamereo đã huy động khoảng 10 triệu USD.

 CEO Kamereo, ông Taku Tanaka. (Ảnh: Vietcetera)

Để đảm bảo chất lượng nguồn cung và kiểm soát giá thành, Kamereo triển khai các trung tâm xử lý đơn hàng riêng, như trạm thu mua rau tại Đà Lạt và kho đông lạnh tại TP HCM. Ông Taku cho biết, Kamereo cam kết cung cấp thực phẩm tươi sạch qua chuỗi cung ứng “Just in Time” và các quy trình kiểm soát chất lượng (QA/QC) nghiêm ngặt.

Hiện nay, Kamereo đã phục vụ hơn 2.500 khách hàng thường xuyên, bao gồm các chuỗi siêu thị, nhà hàng, trường học và bệnh viện. Với đội ngũ gần 100 nhân viên giao hàng, startup này đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho các đối tác. Kamereo không chỉ hướng tới phục vụ các doanh nghiệp lớn mà còn tối ưu hóa nền tảng để thu hút cả những khách hàng nhỏ lẻ, nhờ vào quy trình đặt hàng đơn giản và tiện lợi qua ứng dụng.

Với niềm đam mê và kinh nghiệm từ Pizza 4P's, Taku Tanaka chia sẻ rằng Việt Nam là thị trường lý tưởng để phát triển mảng F&B. “Thị trường này vẫn đầy triển vọng và Kamereo cam kết tiếp tục phát triển để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong chuỗi cung ứng thực phẩm," Taku chia sẻ. Dù còn nhiều thách thức, Kamereo vẫn lạc quan vào khả năng phục vụ khách hàng tốt hơn, gia tăng giá trị bền vững, và chinh phục thị trường toàn quốc.

Thành Vũ

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.