Startup công nghệ Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài
Trao đổi với Báo Đầu tư Online, ông Mitchell Phạm, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp công nghệ New Zealand (NZTech) - người từng được biết đến là một người gốc Việt đầu tiên được bầu vào ghế Chủ tịch NZTech, đại diện cho hơn 400 doanh nghiệp công nghệ New Zealand cho biết: “Tất cả các thành viên tham gia chuyến đi đều rất ấn tượng với sự phát triển khoa học, công nghệ tại Việt Nam. Chúng tôi rất muốn tìm các cơ hội hợp tác cụ thể với doanh nghiệp công nghệ Việt”.
Thông tin thêm về thành viên trong đoàn, ông Mitchell Phạm cho biết, về Việt Nam lần này, đi cùng anh là 6 lãnh đạo trẻ doanh nghiệp công nghệ tại New Zealand với mong muốn tìm hiểu, trao đổi với các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, nhằm tạo kết nối cho những mục tiêu đầu tư lâu dài sau này.
Ông Mitchell Phạm (thứ ba từ phải sang) cùng các lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ New Zealand.
Nhìn nhận về điều kiện thuận lợi, ông Mitchell Phạm cho biết, quan hệ thương mại giữa New Zealand và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với 120% giai đoạn 2010 - 2015. Thương mại hai chiều năm 2015 cũng đã đạt mốc 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, có một điểm rất đáng buồn là không nhiều doanh nghiệp công nghệ New Zealand biết về Việt Nam. Do đó, những cuộc tham quan, tìm hiểu thực tế vừa rồi là cơ hội để gắn kết các doanh nghiệp công nghệ hai nước. Và sắp tới, anh dự định sẽ tổ chức thêm 2 phái đoàn đưa khoảng 70 lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ tại New Zealand sang Việt Nam.
“Việt Nam được biết đến là quốc gia có thị trường công nghệ thông tin đang bùng nổ, kèm theo đó Chính phủ cũng đang nỗ lực hành động ưu tiên cho lĩnh vực này. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ tại New Zealand có kinh nghiệm, mạng lưới hoạt động phủ khắp, chắc chắn sự hợp tác, đầu tư tại Việt Nam sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới”, ông Mitchell Phạm chia sẻ.
Cùng chung quan điểm này, ông Guo Zhi Feng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Chicilon Media cho rằng, thị trường công nghệ Việt Nam đặc biệt là TP.HCM đang phát triển cực kì mạnh mẽ. Người tiêu dùng sẽ có xu hướng tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ truyền thông qua điện thoại thông minh thay vì các phương tiện truyền thống như TV, poster…Do đó, đơn vị này cũng đã đẩy mạnh chiến lược tập trung vào các kênh tiếp cận thông tin qua điện thoại và tiếp cận đa dạng các đối tác như các startup.
“Chúng tôi có mặt tại Việt Nam từ 2006 và cũng đi lên như các bạn startup hiện tại. Một khó khăn đặt ra với các doanh nghiệp khởi nghiệm là kinh nghiệm, vốn…. Chúng tôi hiểu điều đó và cam kết sẽ sẵn sàng hỗ trợ hết sức cả về truyền thông, vốn đầu tư cho những startup công nghệ có tiềm năng, được đánh giá cao và mang lại giá trị lớn cho xã hội qua các cuộc thi”, ông Guo Zhi Feng nói.
Theo đại diện này, tiếp thị trên các thiết bị di động đang được đánh giá là kênh tiếp thị đơn giản, triển khai nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận với khách hàng.
Song song đó, với đà tăng trưởng của thiết bị di động sẽ vẫn tiếp tục trong những năm sắp tới. Do đó, việc tiếp cận những người sử dụng thiết bị di động – đang di chuyển đến giai đoạn cuối của hành trình mua sắm và sắp sửa mua sản phẩm – trở nên cực kỳ quan trọng.